Luật BHXH năm 2024 (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 Theo luật, nhà nước sẽ mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký
- Người lao động làm việc không trọn thời gian
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu, sổ, thẻ BHXH TP.HCM, cho biết hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành luật BHXH năm 2024 vẫn đang trong quá trình soạn thảo và chưa được ban hành chính thức (dự kiến sẽ được ban hành trước ngày 1.5.2025 - PV).
Riêng về nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể, bà Mai cũng đánh giá là thách thức lớn trong công tác quản lý.
Theo số liệu từ Cục Thuế TP.HCM, tại địa phương có khoảng 235.000 chủ hộ kinh doanh cá thể. Do đó, việc đưa toàn bộ nhóm này vào diện tham gia BHXH bắt buộc đòi hỏi nguồn lực về nhân sự lớn và hệ thống quản lý hiệu quả, trong khi đó, cơ quan BHXH cũng đang trong giai đoạn sắp xếp lại bộ máy.
Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, cơ quan BHXH đã và đang đề xuất nhiều phương án trong quá trình lấy ý kiến về nghị định hướng dẫn để thu hút hiệu quả nhóm đối tượng này.
"Từng chủ hộ kinh doanh cũng tương tự một người lao động ở doanh nghiệp. Đối với người lao động thì có doanh nghiệp kê khai, nhưng nếu 235.000 chủ hộ kinh doanh tự kê khai thì là bài toán khó về mặt quản lý. Do đó, đang có đề nghị đưa vào trong nghị định một tổ chức đứng ra kê khai cho số hộ kinh doanh cá thể này", ông Hiệp.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, một hộ kinh doanh cá thể có nhiều loại, có những nhóm hộ kinh doanh cá thể thu nhập thấp, dưới ngưỡng không chịu thuế. Nhưng có những hộ doanh thu rất lớn và nộp thuế theo hình thức kê khai.
Do đó, hiện nay, cơ quan BHXH đang đề nghị trong dự thảo nghị định về việc phân loại. Từ ngày 1.7, các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, nộp thuế theo phương pháp kê khai, sẽ tham gia BHXH bắt buộc theo hình thức kê khai. Còn các hộ kinh doanh khác sẽ tham gia theo lộ trình được quy định trong nghị định ban hành sau.
Rút BHXH 1 lần giảm mạnh
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của BHXH TP.HCM, tại địa phương có hơn 2,78 triệu người tham gia BHXH, tăng 0,49% so với năm 2023.
Tổng số thu là hơn 95.539 tỉ đồng, đạt 101,72% kế hoạch được giao, tăng 10,86 % so với năm 2023.
Đáng lưu ý, năm 2024, BHXH TP.HCM đã giải quyết chế độ các chế độ liên quan cho hơn 1,3 triệu lượt người, giảm 4,6% so với năm 2023. Trong đó, có 99.922 người rút BHXH 1 lần, giảm 11,4% so với năm 2023.
Theo quy định của luật BHXH năm 2024, người tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1.7.2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định).
Ông Lò Quân Hiệp cho biết năm 2023, khi dự thảo luật BHXH được đưa ra thì nhiều người lao động lo lắng, rút trước. Nhưng khi luật ban hành, người lao động đã hiểu rõ chính sách, quyền lợi về lâu về dài của mình, nhất là về lương hưu, nên tỷ lệ rút BHXH 1 lần giảm mạnh.
Căn cứ để xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Cũng theo báo cáo của BHXH TP.HCM, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương lên tới hơn 3.681 tỉ đồng.
Ông Hồ Hải Luận, Trưởng phòng Thanh tra BHXH TP.HCM, cho hay năm 2024, BHXH TP.HCM đã chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương thanh, kiểm tra 2.792 đơn vị. Qua đó, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 14 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 1,5 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, xử phạt tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với 11 đơn vị; tổng số tiền xử phạt là 1,3 tỉ đồng.
Ông Luận cho rằng việc lập biên bản xử phạt về hành vi trốn đóng rất quan trọng. Nếu sau khi làm xong quy trình theo quy định, đơn vị vi phạm chưa khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH thì sẽ là căn cứ để tiến hành xử lý hình sự theo quy định tại luật BHXH năm 2024.
Về vấn đề xử lý hình sự các đơn vị trốn đóng BHXH, ông Lò Quân Hiệp cũng cho biết BHXH TP.HCM đã làm việc với cơ quan công an, sắp tới hai cơ quan sẽ triển khai quy chế phối hợp làm việc, nghiệp vụ cụ thể.
Bình luận (0)