TP.HCM: Tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, giá mỗi nơi mỗi kiểu

18/01/2021 20:05 GMT+7

TP.HCM hiện nay có cả ngàn công ty tư nhân kinh doanh thuốc nên xảy ra tình trạng mua bán lòng vòng, giá mỗi nơi một kiểu...

Ngày 18.1, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có báo cáo về công tác dược, mỹ phẩm năm 2020 và kế hoạch năm 2021. Nhiều tồn tại trong quản lý, kinh doanh thuốc hiện nay được nêu trong báo cáo, trong đó có tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, khó phát hiện dược sĩ vắng mặt nhà thuốc, cho thuê bằng...

Khó phát hiện dược sĩ đứng tên hành nghề nhiều nơi

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc cho phép người hành nghề dược mở nhà thuốc trên toàn quốc làm tăng nguy cơ dược sĩ cho thuê bằng, khó quản lý việc có mặt của dược sĩ tại nhà thuốc.
Phần mềm liên thông quản lý hành nghề giữa các địa phương chưa hoạt động hiệu quả, chưa tra cứu đầy đủ và chính xác thông tin hành nghề của các cá nhân, dễ dẫn đến tình trạng dược sĩ đăng ký hành nghề ở nhiều địa phương hoặc không kịp thời phát hiện sai phạm của dược sĩ ở các địa phương khác nhau…
Ngoài ra, tình trạng bán lẻ thuốc kê đơn (trong đó có kháng sinh) mà không có đơn thuốc vẫn còn tồn tại làm tăng nguy cơ vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Nhưng hiện nay, các quy định xử phạt kinh doanh dược chưa đủ mạnh.

Mua bán thuốc lòng vòng

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, không hóa đơn, chứng từ. Nguyên nhân là do các biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Mặc khác, theo quy định, doanh nghiệp tự định giá bán lẻ, phải niêm yết và bán không cao hơn giá niêm yết, giá thuốc để cho thị trường tự điều tiết, điều này cũng gây ra tình trạng giá thuốc chênh lệch bất hợp lý.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất cần đưa ra hình thức quản lý giá cụ thể với các cơ sở bán lẻ thuốc. Cần có các biện pháp khuyến khích chuỗi nhà thuốc GPP (thực hành nhà thuốc tốt) phát triển làm lực lượng chủ đạo tác động thị trường, bớt tầng nấc trung gian, có giá hợp lý thống nhất trong toàn hệ thống. Cần thống nhất việc kê khai giá thuốc về một đầu mối là Bộ Y tế.

Kết nối dữ liệu từ bệnh viện ra nhà thuốc

Sở Y tế TP.HCM đề nghị cơ chế tính thuế trên doanh thu đối với hệ thống phân phối dược phẩm bán buôn và bán lẻ để tăng cường quản lý nguồn gốc, giá thuốc, vừa tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tối đa khả năng thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả đưa vào hệ thống phân phối.
Cần quy định và chuẩn hóa việc kê đơn điện tử tại cơ sở điều trị và kết nối dữ liệu đơn thuốc cho các cơ sở bán lẻ. Khẩn trương hoàn tất việc đồng bộ kết nối dữ liệu cung ứng thuốc giữa các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu thuốc, các nhà thuốc và các cơ sở điều trị trên cả nước.
Phải có chính sách tuyên truyền vận động bác sĩ và người bệnh ưu tiên dùng thuốc sản xuất trong nước, coi đây là giải pháp cơ bản để giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước được ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư trong xây dựng nhà máy, vùng nguyên liệu, hoạt động quảng cáo tiếp thị, kiểm soát chất lượng, định hướng sản phẩm, nhất là các thuốc đặc trị, quý hiếm, các dạng bào chế với công nghệ hiện đại, nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy sản xuất dược phẩm... 
Mặc khác, Sở Y tế TP.HCM đề nghị có chính sách hạn chế nhập khẩu thông qua “hàng rào kỹ thuật” đối với những thuốc mà trong nước đã sản xuất được, nếu thuốc nhập khẩu không chứng tỏ được ưu thế về chất lượng và giá cả đối với thuốc sản xuất trong nước.

Cả ngàn công ty mua bán thuốc tư nhân

Theo báo cáo, hiện TP.HCM có 31 nhà máy sản xuất tân dược (26 của Việt Nam, 4 liên doanh nước ngoài và 1 nhà máy 100% vốn đầu tư nước ngoài). Có 1.099 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân về dược phẩm. 10 doanh nghiệp cổ phần hóa; 1 doanh nghiệp nhà nước. 128 chi nhánh của các công ty, doanh nghiệp dược; 48 cơ sở buôn bán vắc xin. Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có có 6.672 nhà thuốc, trong đó nhà thuốc tư nhân là 5.612 cơ sở. 181 cơ sở sản xuất mỹ phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.