Sự kiện có sự tham gia của 30 cơ quan báo chí, truyền hình tại TP.HCM và 150 đại biểu từ sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan đã cùng các cơ quan tổ chức thảo luận và kêu gọi sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.
Đây là sự kiện trong chuỗi kế hoạch của TP.HCM hưởng ứng 'Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023'.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết tại Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gái. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng của nạn buôn bán người.
"Đây là những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội", ông Hồi nói.
Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chính sách, giải pháp để thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Điển hình là triển khai thí điểm "Chương trình TP.HCM an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em" rồi từ đó xây dựng và vận hành các mô hình, sáng kiến truyền thông để phục vụ cho công tác này.
Lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM nêu tiếp: "Để thay đổi định kiến giới, xóa bỏ bạo lực giới cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan thông tấn, báo chí đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cộng đồng".
Theo thông tin tại sự kiện, thống kê của điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ của Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra.
Đáng lưu ý, tại Việt Nam, có hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số đó không bao giờ kể cho bất kỳ ai nghe về việc họ bị bạo lực.
Cần có thêm hoạt động nâng cao chuyên môn của phóng viên, biên tập viên
Tham dự sự kiện, ông Mark Tattersall, Phó đại sứ Úc tại Việt Nam, lưu ý: "Tin tức về bạo lực giới có thể gây cảm thương, thay đổi trong xã hội, nhưng nó cũng có thể chứa nhiều định kiến và mang tính đổ lỗi cho nạn nhân.
Thế nên, người làm báo, truyền thông cần thận trọng, đưa tin đúng, đầy đủ, chính xác và đặc biệt là đảm bảo quyền con người, quyền của người bị bạo lực và trách nhiệm của người vi phạm".
Bà Caroline Nyamayemombe, quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cho rằng cần có các hoạt động để nâng cao năng lực chuyên môn của các phóng viên, biên tập viên trong lĩnh vực bình đẳng giới, nhất là việc áp dụng các chỉ số nhạy cảm giới trong đưa tin bài.
Cạnh đó là tạo ra nhiều câu chuyện có chất lượng về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả khoa học, công nghệ, kỹ thuật… vốn được coi là của nam giới.
Báo cáo tham luận tại sự kiện, ông Nguyễn Hiệp Trí, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội trong thời đại thông tin hiện nay.
Song song đó, ông cũng nhận định việc sử dụng hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo có thể vô tình hình thành định kiến giới, đóng khung họ trong công việc nội trợ, thay vì hình ảnh người phụ nữ thực hiện các công việc hoặc trong các vai trò xã hội khác.
"Ruy băng trắng" là phong trào toàn cầu của nam giới, ra đời năm 1991, nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các hoạt động của phong trào này tập trung từ ngày 25.11 - 10.12.
"Bữa sáng Ruy băng trắng" bắt đầu tại Úc, hướng tới kêu gọi sự tham gia tích cực của nam giới với tư cách là những người đồng hành trong phong trào chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ.
Bình luận (0)