Ngày 8.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký công văn số 3007 gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
Theo luật, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A được miễn phí
Theo UBND TP.HCM, ngày 23.7, Bộ Y tế có công văn số 5929 về việc quản lý với người nhiễm Covid-19, trong đó đề nghị UBND TP.HCM huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là công tác điều trị để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập.
Ngày 6.8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7 của Quốc hội khóa XV; trong đó, tại điểm d, khoản 2, Điều 1 nêu: “Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương huy động hệ thống y tế công lập, tư nhân và các nguồn lực xã hội để kịp thời phối hợp triển khai trong công tác dự phòng, điều trị, tiêm vắc xin, đầu tư cơ sở vật chất và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và theo đúng quy định”.
Tại khoản 2, Điều 2 nêu: “Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh”.
Tại khoản 2, Điều 3 nêu: “Trường hợp cần thiết phải ban hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh khác với quy định của luật hiện hành và ngoài phạm vi quy định tại mục 3.1, mục 3.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương đề xuất gửi Bộ Y tế để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện theo quy định tại điểm 2.2 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội”.
Theo UBND TP.HCM, trong quá trình thực hiện, có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại khoản 2, Điều 48: “Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí".
Thông tư số 32/2012 ngày 29.2.2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, tại khoản 1, Điều 2 quy định: "Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các điểm b và c, khoản 2, Điều 1 thông tư này được hưởng các chế độ sau: Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế”.
Sớm ban hành quy định cho y tế tư nhân thu viện phí
UBND TP.HCM cho biết, qua khảo sát và trao đổi ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc. Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Trường hợp chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị nhưng chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
“Theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị Covid-19 để được điều trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước. Các cơ sở y tế đề nghị cho phép cơ sở y tế tư nhân được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19”, UBND TP.HCM nêu.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo nguồn lực tài chính để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, cũng như kịp thời cứu chữa cho người dân mắc Covid-19, trên cơ sở ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân và đề nghị của Sở Y tế, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2828 ngày 23.8 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Qua theo dõi, UBND TP.HCM được biết ngày 1.9, Bộ Tài chính có Công văn số 10101 gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ngoài công lập. Quy định việc chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 tại các cơ sở điều trị Covid-19 ngoài công lập.
“Do yêu cầu cấp bách cần huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, kịp thời cứu chữa cho người dân mắc Covid-19, UBND TP.HCM kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 10101, tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, quyết định", công văn nêu.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay, có khoảng 10 cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM tham gia điều trị Covid-19. Do chưa có quy định cho y tế tư nhân thu viện phí nên để tồn tại, mỗi nơi làm một kiểu. Có bệnh viện thu theo thỏa thuận, có bệnh viện thu theo cam kết tự trả của bệnh nhân, có bệnh viện thu theo kiểu bệnh nhân ủng hộ... Giá thu tùy vào mức nặng nhẹ của bệnh nhân, từ vài triệu đến vài chục triệu, vài trăm triệu và có khi lên đến cả tỉ đồng.
|
Bình luận (0)