Đến đầu tháng 10.2023, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) đoạn qua Q.12 và Q.Gò Vấp vẫn chưa giải ngân vốn bồi thường dù được phê duyệt từ tháng 3.2022.
Hơn 1 năm mới bàn giao ranh mốc
Đoạn đi qua địa bàn Q.12 ảnh hưởng đến 182 hộ dân, tổng vốn bồi thường lên đến 600 tỉ đồng. Về lý do chậm giải ngân, UBND Q.12 giải thích: Đến đầu tháng 7.2023, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM mới bàn giao ranh mốc dự án cho địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ngày 24.7, UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của Q.12, địa phương mới đủ cơ sở thực hiện các bước bồi thường.
Cụ thể, ngày 30.8, UBND Q.12 ban hành thông báo thu hồi đất đối với 182 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo quy định, sau khi ban hành thông báo thu hồi đất, phải đảm bảo 90 ngày làm việc đối với đất nông nghiệp và 180 ngày làm việc (tương đương 252 ngày xuyên suốt) đối với đất phi nông nghiệp, địa phương mới thực hiện ban hành quyết định thu hồi đất. Như vậy, ít nhất đến ngày 31.5.2024, địa phương mới có thể ban hành quyết định thu hồi đất và chi trả tiền bồi thường, tiếp nhận mặt bằng. Với lộ trình trên, việc giải ngân vốn bồi thường của dự án trong năm 2023 là không khả thi.
Dù vậy, lãnh đạo UBND Q.12 cho biết địa phương đã chủ động thực hiện một số thủ tục như điều tra, khảo sát, kiểm đếm, thu thập hồ sơ pháp lý… phục vụ công tác bồi thường. Để đẩy nhanh tiến độ, Q.12 đề xuất bồi thường theo từng giai đoạn, những trường hợp nào đồng thuận trước sẽ chi trả bồi thường trước, những trường hợp chưa đồng thuận thì tiếp tục vận động, bồi thường theo kế hoạch đã đề ra. Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Cũng dự án này, đoạn qua địa bàn Q.Gò Vấp dù chưa giải ngân nhưng địa phương cam kết hoàn thành trong năm 2023 do đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường (hệ số K). Theo đó, hệ số K đối với đất ở đường Tô Ngọc Vân dao động từ 21,46 - 25,37 lần tùy theo vị trí, còn đất nông nghiệp trồng cây hằng năm khác dao động từ 30,81 - 32,73 lần tùy theo vị trí.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết dự kiến cuối tháng 10.2023 sẽ bắt đầu chi bồi thường cho 46 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 233 tỉ đồng. Về cách thức thực hiện, địa phương mời các hộ dân lên nhận quyết định bồi thường, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận kiểm tra hồ sơ, người dân đồng thuận và ký vào các giấy tờ liên quan rồi kho bạc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Ông Khang cho biết thêm qua khảo sát, đa phần người dân ủng hộ sớm triển khai dự án, đồng ý với phương án và đơn giá bồi thường.
LOAY HOAY VỚI NHÀ ĐẤT KHÔNG GIẤY TỜ
Trong số các dự án chưa giải ngân trên địa bàn Q.5 có dự án cải tạo kênh Hàng Bàng, ảnh hưởng đến 127 hộ dân, tổng kinh phí bồi thường 550 tỉ đồng. UBND Q.5 cho biết đến đầu tháng 10.2023, quận đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; tổ chức điều tra, khảo sát đo đạc, kiểm đếm. Hiện nay đã niêm yết lấy ý kiến người dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 27/127 hồ sơ. Các hồ sơ còn lại sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đến cuối tháng 10 để tiếp tục niêm yết lấy ý kiến người dân.
Về lý do dự án chưa giải ngân đồng nào, UBND Q.5 cho rằng hồ sơ bồi thường dự án rất phức tạp. Cụ thể, có 98/127 căn nhà không có giấy tờ pháp lý nên việc xác nhận của phường về nguồn gốc pháp lý sử dụng nhà đất gặp khó khăn, phải mất nhiều thời gian. Những căn nhà này vừa có phần trên đất vừa có phần trên kênh, vừa có phần diện tích nằm trong ranh vừa có phần nằm ngoài ranh thửa đất. Với tiến độ bồi thường hiện nay, UBND Q.5 nhận định việc giải ngân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cũng tại dự án cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn qua Q.6 thực hiện từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn còn 80/344 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ông Bùi Trọng Suốt, Trưởng ban Bồi thường - giải phóng mặt bằng Q.6, cho biết đa số các hộ chưa đồng ý di dời do nhà ở có vị trí phía sau khu vực chợ Bình Tây đang kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh. Mặt khác, đơn giá bồi thường (mặt tiền đường Phan Văn Khỏe hơn 71,5 triệu đồng) theo ý của một số hộ dân là thấp, không ngang bằng giá với đường Trần Bình, Lê Tấn Kế. Giá trị nhận bồi thường, hỗ trợ không đủ tiền để mua nhà có vị trí, diện tích tương đương khu vực bị giải tỏa.
Xác định đây là công trình trọng điểm của TP.HCM về chỉnh trang đô thị nên ông Suốt cho biết sẽ phối hợp chủ đầu tư và nhà thầu phần thi công dự án giải quyết các phát sinh, vướng mắc, ưu tiên bàn giao các vị trí mặt bằng phù hợp để tổ chức thi công. Sắp tới, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế 7 trường hợp.
PHỐI HỢP "CHUỆCH CHOẠC"
Hiện hầu hết dự án đầu tư công có thu hồi đất đều gom cấu phần bồi thường và xây lắp vào một dự án, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với UBND quận, huyện để thực hiện bồi thường. Thế nhưng, theo Sở TN-MT TP.HCM, một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt nhưng chủ đầu tư chậm ký hợp đồng với các địa phương để thực hiện bồi thường. Thậm chí có trường hợp chậm 3 - 4 năm như dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi đi qua Q.8, H.Bình Chánh và H.Nhà Bè được phê duyệt từ năm 2017, nhưng đến năm 2020 chủ đầu tư mới ký hợp đồng với ban bồi thường giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Sở TN-MT còn chỉ ra công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương chưa tốt trong đề xuất bố trí vốn 1 lần cho công tác bồi thường như đường vành đai Đầm Sen có tổng mức đầu tư 263 tỉ đồng, đầu năm chỉ bố trí 150 tỉ đồng, sau đó mới bố trí đủ. Một số dự án khác cung cấp đủ một lần nhưng địa phương vẫn không đủ kinh phí để chi trả (do khái toán sai) dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Đặc thù của công tác bồi thường là đầu năm HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết, UBND TP.HCM phân bổ vốn thì các địa phương mới có cơ sở triển khai nên thường kéo dài và đến cuối năm mới phê duyệt được hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm cơ sở giải ngân. Do đó, vốn tập trung giải ngân vào cuối năm, quý 4 hằng năm. Dù vậy, chỉ địa phương nào chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý thì giải ngân mới nhanh, nếu không sẽ phải chuyển vốn qua năm sau.
Liên quan đến chính sách tái định cư, Sở TN-MT đánh giá việc dự kiến nhu cầu căn hộ, nền đất của quận, huyện cho tất cả dự án trên địa bàn mình quản lý còn chưa chính xác, bỏ sót dự án nên Sở Xây dựng bố trí không đủ số lượng vào đầu năm. Đến khi triển khai dự án, địa phương đề xuất phân bổ thêm. Sau khi Sở Xây dựng phân bổ quỹ nền đất, căn hộ thì mới xác định được vị trí để thẩm định giá tái định cư, làm trễ thời gian phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bởi theo quy định thì giá bồi thường và giá tái định cư phải được duyệt trong cùng một ngày.
Vì sao người dân than phiền giá bồi thường thấp ?
Trong số các nguyên nhân khiến người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng là đơn giá bồi thường thấp hơn thị trường. Lý giải câu chuyện này, Sở TN-MT cho biết công tác thu thập hợp đồng giao dịch thành để phục vụ cho việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn không tìm được hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng giá thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế rất nhiều ảnh hưởng đến kết quả xác định hệ số điều chỉnh giá đất.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng một quận trung tâm dẫn chứng khu vực làm dự án thuộc quy hoạch nên người dân thường ít mua bán, hoặc mua bán thì giá trị giao dịch thường thấp hơn khu vực không dính quy hoạch. Bên cạnh đó, người dân thường kê khai giá trị giao dịch trên hợp đồng thấp hơn giá trị thực tế để "né" thuế cũng khiến cho giá bồi thường thấp hơn giá mà người có đất bị thu hồi kỳ vọng.
Bình luận (0)