Tiêm đủ 2 mũi nhưng chưa được cập nhật thẻ xanh thì có được ra đường?
Mẹ là lao động chính trong gia đình nên chàng trai Đào Đình Đức (20 tuổi, ngụ tại đường Pasteur, P. Võ Thị Sáu, Q. 3) đang rất lo lắng về thẻ xanh Covid để mẹ được ra đường từ ngày 1.10. Đức thắc mắc: “Hiện tại thì mẹ mình dù đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn chưa được cấp thẻ xanh, nhiều người thân trong gia đình như cậu của mình cũng như vậy. Thì những trường hợp chưa cập nhật thẻ xanh như gia đình mình, sau hôm nay 30.9 có thể ra đường được hay không? Và thẻ xanh thì chỉ dùng để lưu thông qua các chốt kiểm dịch thôi hay là đến bất kỳ một cơ sở công cộng nào cũng dùng đến thẻ xanh? Như đi siêu thị thì có cần xếp hàng rồi trình thẻ xanh ra không? Nếu có thì hướng dẫn cách làm như thế nào cho phù hợp chứ hôm nay đã là ngày cuối cùng rồi mà mình chưa thấy có hướng dẫn nào cụ thể hết”.
|
Chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, sống tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thắc mắc: “Nghe nói hiện các chốt chặn cũng đang được gỡ bỏ dần để chuẩn bị cho thành phố mở cửa lại bình thường. Và tất nhiên điều kiện cần để chúng ta có thể sinh hoạt, đi làm lại bình thường là chiếc thẻ xanh Covid. Nhưng thực tế cũng nhiều trường hợp oái ăm với cái thẻ xanh này lắm. Chẳng hạn như bố mẹ mình dù đã tiêm được mũi 2 từ đầu tháng 9 rồi nhưng đến giờ trên app Sức khoẻ điện tử vẫn chưa lên màu xanh. Mình cũng đã có phản ánh lên nhưng vẫn đang chờ chứ chưa có. Chưa kể lần trước mình tiêm mũi 1 được hơn 2 tuần thì trên app Sức khoẻ điện tử mới cập nhật thẻ vàng, nhưng hơn tuần sau vào kiểm tra lại nó trở về trắng trơn là chưa tiêm vắc xin. Hỏi ra mới biết vài đứa bạn mình cũng bị tương tự. Không biết do lỗi của app hay là gì nữa?”.
F0 tự điều trị tại nhà làm sao để có thẻ xanh?
Câu chuyện của gia đình Bành Ngọc Như Ý (21 tuổi, ngụ tại đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM) cũng là thắc mắc chung của rất nhiều F0 tự điều trị tại nhà và chưa có giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh.
Như Ý kể: “Gia đình mình nhiễm Covid-19, mà có nhờ người báo y tế phường nhưng không liên lạc được, gia đình mình lúc đó cũng không có điều kiện, không có tiền để mua test nhanh về test hết tất cả mọi người, chỉ có test được cho mỗi mình và kết quả là 2 vạch. Sau khi mình có kết quả dương tính thì cả nhà sau đó ai cũng mắc các triệu chứng cảm, sốt nhưng lại không có điều kiện để test”.
|
Ý chia sẻ thêm: “Lúc đó mình gọi hoài mấy số liên quan đến phường, y tế này nọ nhưng không có được. Rồi mình vào các nhóm cư dân của quận 4, thấy lúc đó nhiều nhà cũng bị nhiễm như gia đình mình nhưng cũng không gọi được cho y tế phường, mọi người khuyên là tự cách ly uống thuốc ở nhà. Bản thân mình cũng gọi mãi nhưng không được nên thôi sau đó mình cũng bỏ cuộc không gọi nữa”.
Đến thời điểm hiện tại gia đình Như Ý đều đã khỏi bệnh nhưng trước đó vì không liên lạc được với y tế phường nên cả gia đình rất thắc mắc là cách nào để xác định là F0 đã khỏi bệnh: “Để xác định F0 khỏi bệnh phải cần giấy tờ xét nghiệm như thế nào để có được thẻ xanh? Vì có những người tự điều trị ở nhà và khỏi bệnh như gia đình mình”.
Thẻ xanh Covid sẽ sử dụng như thế nào?
Anh Nguyễn Tấn Đạt, ngụ trên đường Lý Thái Tổ (Q.3, TP.HCM) thì băn khoăn: “Đến bây giờ mình vẫn chưa hình dung ra được thẻ xanh có hình hài như thế nào. Nếu dùng điện thoại lưu ảnh mà quét các chốt để lưu mã thì cũng khá nguy hiểm, dễ bị cướp giật điện thoại khi ra đường, nguy cơ tai nạn giao thông. Việc khoe thẻ xanh được tiêm 2 mũi đưa lên Facebook hiện nay cũng khá nguy hiểm nếu mã QR code lộ ra thì dễ dàng làm giả, lưu vào điện thoại hoặc in ra để quét code. Xảy ra tình trạng nhiều người không đi đường nhưng lại bị khai báo trên hệ thống. Rất có khả năng, nhiều người chưa có thẻ xanh, lợi dụng mã QR code của người khác hoặc 1 code nhiều người để qua mặt cơ quan chức năng”.
Anh Đạt cũng thắc mắc thêm: “Việc in thẻ xanh ra giấy hay dùng phần mềm, app nào vẫn chưa được giải thích, hướng dẫn rõ và làm sao để cập nhật cho người lớn tuổi thẻ xanh bằng ứng dụng, tránh trường hợp khai báo mà tập trung đông, không giãn cách đúng để phòng dịch…”.
|
Với Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu TP.HCM), đang sống tại huyện Củ Chi, TP.HCM cũng rối bời, thắc mắc: “Mình có tham khảo và đọc hướng dẫn của thành phố nhưng thật sự cũng chưa nắm rõ nguyên tắc sử dụng, đối tượng áp dụng. Hiện tại thì đối tượng dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin, chưa có thẻ xanh thì không biết sẽ lưu thông ngoài đường như thế nào sau 30.9. Người dân ở xung quanh chỗ mình ở cũng khá mơ hồ về việc có thẻ xanh là đi lại tự do hay vẫn trong kiểm soát. Phạm vi hoạt động của thẻ xanh là trong thành phố hay chỉ tính tại địa phương là quận, huyện. Chính vì thế, mình nghĩ thành phố cần có thông báo thật cụ thể, chi tiết phổ biến đến toàn dân trước khi nới lỏng và dần đưa về trạng thái bình thường mới”.
Chàng trai Quang Trọng Minh (24 tuổi, đang ngụ tại hẻm 298 Nơ Trang Long, P. 12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) thì chia sẻ: “Mình thấy khá lúng túng về cách thức thể hiện thẻ xanh Covid. Vì theo hướng dẫn thì người dân đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ phải khai báo y tế bằng mã QR. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người lớn tuổi hoặc gia đình chưa có điều kiện thì không có điện thoại thông minh, vậy việc nhập liệu, khai báo điện tử và xuất mã QR có người hay có nhân lực tại địa bàn hỗ trợ hay không. Thêm vào đó, Thành phố cũng đặt ra rằng “người dân không có thiết bị thông minh thì thực hiện khai báo y tế bằng giấy”, vậy khai báo y tế bằng giấy này có thể “đồng bộ hóa” dữ liệu với các công cụ trực tuyến, cơ sở dữ liệu tiêm chủng vắc xin như thế nào trong kiểm soát sự hoạt động của người dân khi tham gia các dịch vụ cộng đồng và việc khai báo y tế bằng giấy này do ai cung cấp giấy, và nếu điền tại chốt thì có gây ùn tắc giao thông không, và nhiều bất cập không?”.
Khái niệm thẻ xanh Covid được lãnh đạo TP.HCM thông tin chính thức lần đầu tiên trong cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp về kế hoạch phục hồi kinh tế ngày 10.9 và nhấn mạnh đây là điều kiện cần để người dân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ý tưởng về thẻ xanh Covid của TP.HCM là một chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR (có thể xem trên điện thoại thông minh hoặc in ra thẻ) hoặc là một tin nhắn trên điện thoại làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát. Người dân có thể dùng mã này để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm (XN); check-in tại các địa điểm công cộng.
Trong bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM ban hành ngày 15.9, một người có thẻ xanh Covid khi hội đủ 3 điều kiện: Xét nghiệm Covid-19 âm tính đối với ngành nghề phải xét nghiệm định kỳ, tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 nay đã khỏi bệnh và không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày. Sỹ Đông- Liên Châu |
Minh cũng đặt thắc mắc: “Một người có thẻ xanh Covid khi hội đủ 3 điều kiện: xét nghiệm Covid-19 âm tính đối với ngành nghề phải xét nghiệm định kỳ, tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 nay đã khỏi bệnh và không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày, thì mình thấy cũng chưa thật sự hợp lý. Nếu lấy tiêu chí (có thể là tạm thời), người có thẻ xanh Covid nên là người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi vắc xin và đã đủ thời gian để có thể sinh kháng thể, thì việc ghi nhận này phải được thể hiện ở một ứng dụng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận. Về mặt hình thức, một mã QR ứng dụng có chức năng quét mã QR nhằm nhận diện một người hội đủ điều kiện có thẻ xanh Covid. Nhưng nếu mở rộng diện, đối tượng khác cũng được cấp thẻ xanh ngoài người đã tiêm đủ vắc xin theo quy định, vẫn có những người từng là F0 lành bệnh, có kháng thể. Và như vậy, phải có hẳn dữ liệu ghi nhận người từng là F0 đã lành bệnh, chứ không chỉ đối với người đã tiêm đủ vắc xin như hiện hành”.
Bình luận (0)