Sáng 8.11, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế TP.HCM chuẩn bị đưa máy X-quang hiện đại, tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đến Trạm y tế xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ).
Theo đó, hình ảnh số của phim X-quang sau khi được AI phân tích được đưa lên hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh) của ngành y tế, giúp các bác sĩ trẻ luân phiên đến công tác tại xã đảo Thạnh An hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM.
Máy X-quang thế hệ mới được tích hợp AI chẩn đoán X-quang phổi sẽ được trang bị cho Trạm y tế xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM |
SỞ Y TẾ tp.hcm |
Máy X-quang và phần mềm AI này do các tác giả nguyên là những trí thức trẻ của TP.HCM đang sinh sống tại Úc (anh em Trần Đặng Minh Trí, Trần Đặng Đình Áng) tạo ra và đã được nhiều nước có nền y tế tiên tiến công nhận.
Các tác giả mong muốn được gửi tặng sản phẩm trí tuệ này đến người dân xã đảo Thạnh An như là món quà của những trí thức trẻ từng sinh ra, lớn lên, học tập tại TP.HCM.
Trao đổi với PV Thanh Niên vào sáng 8.11, anh Trần Đặng Minh Trí cho biết, dự kiến ngày 18.11, anh sẽ về Việt Nam trao món quà trên. Anh cũng khẳng định phần mềm AI trong đọc X-quang ngực của anh đã ứng dụng 400 bệnh viện ở Úc và Anh. “Trong điều kiện thiếu bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, AI trong X-quang ngực hỗ trợ tăng mức chính xác cho bác sĩ khi chẩn đoán hình ảnh và giúp đọc kết quả X-quang nhanh hơn”, anh Trần Đặng Minh Trí nói và cho biết thêm, phần mềm này lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.
Anh em Trần Đặng Minh Trí, Trần Đặng Đình Áng từng nghiên cứu, ứng dụng thành công AI trong lựa chọn phôi trong thụ tinh nhân tạo (đã chuyển giao cho công ty khác). Hiện cả hai đang phát triển AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang, CT-Scanner sọ não (đột quỵ não, xuất huyết não, chấn thương sọ não)…
Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay, 4 bác sĩ trẻ đăng ký đợt luân phiên đầu tiên đến công tác tại xã đảo Thạnh An đang khẩn trương tiếp cận và nhận chuyển giao cách sử dụng máy X-quang thế hệ mới này để kịp thời đưa vào sử dụng ngay khi máy được vận chuyển, lắp đặt tại Trạm y tế xã Thạnh An.
Bên cạnh đó, phòng Công nghệ thông tin Sở Y tế TP.HCM cũng đang khẩn trương phối hợp cùng một doanh nghiệp chuyên về hệ thống PACS đến xã đảo để lắp đặt hệ thống PACS, cũng là món quà tặng ý nghĩa thứ hai cho xã đảo để hoàn chỉnh một quy trình ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán hình ảnh cho Trạm y tế xã đảo.
Được biết, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ xã đảo Thạnh An: công nghệ AI trong chẩn đoán, chăm sóc sức khỏe; công trình xây dựng mới trạm y tế xã đảo; hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn bộ người dân xã đảo; triển khai telemedicine kết nối hội chẩn từ xa giữa bác sĩ trên xã đảo với các bác sĩ chuyên khoa tuyến cuối của TP; chương trình quản lý và chăm sóc người dân mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm; mô hình cấp cứu đường thủy tại xã đảo Thạnh An...
Bình luận (0)