TP.HCM và bài toán kinh tế cho SEA Games 31

06/08/2017 09:21 GMT+7

Nếu được Chính phủ thông qua, TP.HCM sẽ nỗ lực tối đa để có thể tổ chức SEA Games 31 năm 2021 thành công về mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển không chỉ về thể thao mà còn cả kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Mời chuyên gia từng thiết kế sân State de France
Một vấn đề rất được người dân quan tâm đó là tại TP.HCM sẽ có bao nhiêu công trình thể thao đủ để phục vụ SEA Games 31 và nguồn kinh phí lấy từ đâu? Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, SEA Games 31 sẽ có 36 môn, trong đó dự kiến 6 nhóm môn sẽ tổ chức tại 4 công trình được xây mới hoàn toàn: bắn súng tại trường bắn Củ Chi; điền kinh - bóng đá (một bảng) - xe đạp lòng chảo tại sân vận động 50.000 chỗ ở Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc; các môn dưới nước tại Trung tâm thể thao Phú Thọ; thể dục dụng cụ tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Các nhóm môn còn lại sẽ tổ chức ở 30 nhà thi đấu, sân vận động quy mô nhỏ với tổng kinh phí vào khoảng 700 - 950 tỉ đồng và tuyệt đại đa số là được nâng cấp, tu sửa. Trong đó có nhà thi đấu được cải tạo với số tiền thấp nhất 5 tỉ đồng. Những công trình này chia làm 3 loại: Loại 1 thuộc sự quản lý của TP, quận huyện thì TP sẽ chi tiền nâng cấp. Loại 2 thuộc sự quản lý của T.Ư nên tiền sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Loại 3 do tư nhân bỏ vốn (các công trình này chiếm 30 - 40% tổng số 30 công trình được tu sửa chuẩn bị cho SEA Games 31 và hầu hết thuộc các trường đại học ngoài công lập).
Hiện nhiều doanh nghiệp đã xin TP được phục vụ đại hội và cam kết rõ ràng: các nhà thi đấu do họ đầu tư sửa chữa sẽ đảm bảo chất lượng tầm cỡ khu vực, thậm chí châu Á.

tin liên quan

TP.HCM hoàn tất dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31
UBND TP.HCM đang khẩn trương xem xét lại lần cuối dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 để trong vài ngày tới có thể gửi Bộ VH-TT-DL thẩm định trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.
Trở lại một số công trình được xây mới, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã đồng ý cho ngành thể thao sử dụng trường bắn do quân đội đầu tư xây dựng ở Củ Chi (có lắp thêm trang thiết bị phục vụ thi đấu). Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với trị giá 1.900 tỉ đồng (cao hơn dự kiến ban đầu 400 tỉ đồng) gồm cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng, được xây dựng trong 3 năm. Chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần đền bù giải tỏa sẽ đổi đất lấy hạ tầng.
Công trình quan trọng nhất của TP sẽ là sân vận động 50.000 chỗ ngồi. Nếu 16 năm trước, khi Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tiến hành đấu thầu xây dựng sân Mỹ Đình phục vụ SEA Games 22 năm 2003 với mức giá tối đa là 67 triệu USD, đã có 3 nhà thầu vào cuộc. Trong đó nhà thầu Philipp Holzmann AG International (Đức) được ngành thể thao đánh giá rất cao vì trong đội ngũ kiến trúc sư có người đã từng tham gia thiết kế sân State de France rất nổi tiếng của Pháp. Nhưng cuối cùng nhà thầu HISG (Trung Quốc) đã trúng thầu vì đưa ra giá là 53 triệu USD (rẻ hơn nhà thầu Đức 4 triệu USD).
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, TP.HCM quyết định chọn nhà thầu châu Âu và sẽ mời các chuyên gia như vừa nói trên. Chi phí xây sân 3.450 tỉ đồng sẽ do doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn và dự tính sẽ hoàn vốn sau 50 năm với điều kiện doanh nghiệp được khai thác thương mại những hoạt động liên quan đến sân.
7.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng
Cho đến thời điểm hiện tại, sân vận động 50.000 chỗ đã có bản thiết kế nhưng khó khăn lớn nằm ở chỗ, mặt bằng để xây sân vẫn chưa giải tỏa xong. Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc rộng 180 ha vẫn thuộc diện phải giải tỏa với số tiền lên đến 7.000 tỉ đồng. Nhưng ngân sách TP sẽ không phải chi một đồng nào vì một doanh nghiệp đã sẵn sàng vào cuộc. Cũng đã có ít nhất 4 doanh nghiệp khác mong muốn được giúp đỡ TP trong việc đầu tư xây dựng các công trình như sân đua xe đạp lòng chảo, học viện bóng đá (đều tại Rạch Chiếc).
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp này lại chưa được hỗ trợ về mặt cơ chế. Thông tư 130 của Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2008 hướng dẫn luật thu thuế doanh nghiệp chỉ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tài trợ ở lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục thiên tai. Còn doanh nghiệp tài trợ cho thể thao hầu như chưa được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào. Vì vậy, TP rất mong muốn Chính phủ chỉ đạo một số bộ ngành có liên quan, cùng với ngành thể thao tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, tạo điều kiện thông thoáng hơn, để các doanh nghiệp có thể đầu tư những khoản tiền lớn trong xây dựng cơ sở vật chất chuẩn bị cho SEA Games 31.
Nếu chủ trương xã hội hóa được thực hiện một cách triệt để, TP sẽ bớt gánh nặng về kinh phí tổ chức. Theo dự tính, khoản chi cho khâu tổ chức đại hội vào khoảng 900 tỉ đồng, khoản thu lệ phí từ các đoàn là 100 tỉ đồng, bản quyền truyền hình hơn 100 tỉ đồng, các nhà tài trợ 100 tỉ đồng. Nghĩa là TP sẽ phải bỏ ra khoảng 700 tỉ đồng, song nếu thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp thì ngân sách chi ra sẽ càng ít đi.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao VN những kỳ SEA Games 2003, 2005, cho biết: “Tôi rất mong mỏi TP.HCM được Chính phủ chấp thuận cho đăng cai SEA Games 31 vì đây là TP năng động nhất nước, có tiềm lực. Về mặt cơ học, TP.HCM có thể “lỗ” về tiền bạc, nhưng cái được lại vô cùng lớn. Trong đó, không chỉ là sự phát triển thể thao mà còn niềm tự hào dân tộc và người dân sẽ được thụ hưởng những thiết chế văn hóa (bao gồm cả những công trình thể thao). Tôi tin rằng TP.HCM có đủ tiềm lực để tổ chức rất tốt SEA Games và sẽ đi theo xu hướng tổ chức các môn Olympic, Asiad để thể thao khu vực ngày một lớn mạnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.