Báo cáo được cung cấp tại buổi họp báo chuyên đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” chiều 19.11.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến nay, cả nước mới cổ phần hóa được 26/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 991/QĐ-TTg (chiếm 20,4%) cho giai đoạn 2017 - 2020.
Đáng chú ý, tại quyết định này, Thủ tướng yêu cầu năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 10.9 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp. “Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch”, Bộ Tài chính lo ngại.
Đặc biệt, Bộ này đã chỉ đích danh 2 đơn vị ì ạch nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Cụ thể, TP.HCM theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018, nhưng đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.
Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018, nhưng đến nay cũng chưa triển khai được đơn vị nào.
Qua tổng hợp kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Bộ Tài chính đánh giá so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng. Song, vẫn còn không ít doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.
Trong báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần thì có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỉ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 47.297 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỉ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỉ đồng....
Một số doanh nghiệp cổ phần không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỉ đồng); Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỉ đồng)...
Bình luận (0)