Trường Đại học (ĐH) khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vừa cử 2 giảng viên chuyên ngành ngoại khoa đến Bệnh viện Q.Gò Vấp để làm việc, hỗ trợ chuyên môn và hướng dẫn sinh viên thực hành lâm sàng, mở ra một hướng đi mới cho các bệnh viện quận, huyện nhằm phục vụ bệnh nhân (BN) ngày một tốt hơn.
Theo bác sĩ (BS) CK.II Hồ Văn Hân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Q.Gò Vấp, việc hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Nhiều trường hợp bệnh khó đã được hội chẩn và giải quyết nhanh chóng, mang lại sự hài lòng cho BN.
Hết cảnh chuyển viện
Trưa 14.11, PV Thanh Niên gặp nữ BN Đ.H.Ch (53 tuổi, ngụ P.8, Q.Vấp) đang nằm khoa Ngoại tổng hợp BV Q.Gò Vấp. Bà cho biết 3 tuần trước bị đau quặn bụng và vào BV Q.Gò Vấp, bác sĩ (BS) chẩn đoán bà bị sỏi túi mật và sỏi bị kẹt nhưng không mổ được nên chuyển tuyến trên. Sau khi tuyến trên nội soi mật tụy ngược dòng gắp sỏi kẹt ở cơ vòng, cho xuất viện và hẹn 4 tuần sau sẽ mổ sỏi túi mật. Nhưng về mới 10 ngày bà lại thấy đau quá nên vào BV Q.Gò Vấp để xin giấy chuyển viện. “Nhưng lần này vào, BV nói đã mổ được, tôi yên tâm ở lại”, bà Ch. chia sẻ.
TS-BS Phạm Văn Nhân, giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (bên trái) đang thực hiện phẫu thuật cùng với đội ngũ thầy thuốc của BV Q.Gò Vấp. |
DUY TÍNH |
Trước khi mổ cấp cứu vì viêm túi mật cấp do sỏi kẹt, bà Ch. được test Covid-19 và có kết quả dương tính và được chuyển phòng mổ dành cho BN Covid-19. Ca mổ nội soi cắt túi mật cho BN Ch. được các giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng với đội ngũ của BV Q.Gò Vấp thực hiện thành công. Trong quá trình mổ cho BN Ch., giảng viên đã thảo luận về chỉ định và phương pháp phẫu thuật của bệnh lý viêm túi mật cấp do sỏi cùng các BS trẻ của BV Q.Gò Vấp. Bên cạnh đó, các BS trẻ cũng liên tục đặt ra những câu hỏi khi gặp những tình huống khó hoặc chưa biết. Thầy trò kết hợp nhịp nhàng và kết thúc ca mổ nhanh, an toàn.
Trước đó, bà H.T.C (69 tuổi, ngụ P.10, Q. Gò Vấp) vào BV Q.Gò Vấp được chẩn đoán bị viêm màng bụng do viêm túi mật hoại tử vì sỏi kẹt cổ túi mật, cơ địa tiểu đường, cao huyết áp. BN cần mổ cấp cứu nhưng con thì ở xa, nhưng nếu không phẫu thuật kịp thời thì sẽ sốc nhiễm trùng. Do đó, BV đã gọi cho người con của BN để có sự đồng thuận, sau đó ê kíp hợp tác viện - trường đã nội soi cấp cứu cắt túi mật. Sau 1 ngày BN ổn định, 3 ngày sau sinh hoạt bình thường và ngày thứ 5 được xuất viện.
Bệnh viện quận nâng chất nhờ hợp tác trường - viện
Theo BS Hồ Văn Hân, BV Q.Gò Vấp có cơ sở vật chất khang trang, trong đó khoa Gây mê - hồi sức có hệ thống 5 phòng mổ được trang bị hoàn chỉnh. Đây là điều kiện rất tốt để BV phát triển khối ngoại. Với sự bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đội ngũ của BV đã cùng tham gia khám, chữa bệnh, phẫu thuật với các giảng viên, đặc biệt trong các hoạt động đào tạo chuyển giao kỹ thuật (phẫu thuật nội soi, đại phẫu, cập nhật các hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị). Mối hợp tác viện - trường đã giúp tăng cường khả năng giải quyết bệnh tại chỗ cả về số lượng và mức độ chuyên sâu, an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân, góp phần giảm chuyển viện, từ đó giảm quá tải cho các BV tuyến trên.
TS-BS Phạm Văn Nhân, giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khám cho BN trước mổ |
DUY TÍNH |
Còn thạc sĩ, BS Nguyễn Hồng Trường, giáo vụ Bộ môn hồi sức cấp cứu - chống độc, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kiêm phụ trách khoa Hồi sức tích cực BV Q.11 cho biết: BV Q.11 hợp tác với Bộ môn Hồi sức cấp cứu - chống độc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ năm 2016, lúc đó chỉ là BV hạng 3. Hiện BV đã giữ những BN nặng, thở máy, theo dõi huyết động cao cấp, siêu âm - hồi sức tại giường, lọc máu liên tục và hỗ trợ cho các ca phẫu thuật nặng (thay khớp háng, chấn thương tim…). Nếu không có khoa hồi sức đủ mạnh thì những BN thở máy, sốc phải chuyển viện. Gần đây nhất, Sở Y tế cho phép BV Q.11 mở mã đào tạo về hồi sinh tim phổi, điều mà hiếm BV quận nào làm được.
Bác sĩ Võ Ngọc Cường, Phó giám đốc điều hành BV H.Bình Chánh cũng cho biết, ngoài sự hỗ trợ từ các BV tuyến trên, BV H.Bình Chánh cũng hợp tác với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, trường đã cử các chuyên gia là các giảng viên, hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện bao gồm các tiến sĩ, BS CK.2, thạc sĩ… ở các chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ, lọc thận, Thận-tiết niệu-nam khoa; Nội tổng quát; Hồi sức cấp cứu. BV sẽ tiến tới là cơ sở thực hành cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Hướng bệnh viện quận là cơ sở thực hành
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng hợp tác viện - trường không chỉ là nâng cao năng lực để phục vụ BN mà còn tiến tới việc mở rộng trở thành cơ sở đào tạo thực hành cho sinh viên y khoa.
Theo người đứng đầu ngành y tế TP, việc nâng cao chất lượng thực hành lâm sàng cho sinh viên y khoa là một hoạt động không thể thiếu được trong kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH y khoa. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết vì số lượng các trường đào tạo BS y khoa tại VN tiếp tục gia tăng.
Ca mổ nội soi lấy sỏi túi mật tại BV Q.Gò Vấp |
DUY TÍNH |
Riêng tại TP.HCM, ngoài Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM còn có các trường ĐH tư nhân đào tạo BS, như: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Văn Lang. Như vậy, số lượng sinh viên y khoa đến thực hành tại các BV ngày càng tăng, nếu chỉ chọn các BV trực thuộc Bộ Y tế, các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP thì số lượng sinh viên thực hành quá đông so với quy mô giường bệnh, chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
“Do đó, ngành y tế TP rất ủng hộ các trường ĐH chọn thêm các BV tuyến quận, huyện trở thành các cơ sở thực hành cho các sinh viên y khoa và thực hành lấy chứng chỉ hành nghề cho các BS mới tốt nghiệp thật sự có lợi cho cả trường và BV. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra các BS có chất lượng tốt, từ đó mới phục vụ tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ người dân”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, về lâu dài, ngành y tế TP còn đặt hàng cho các trường đào tạo nghiên cứu và đầu tư nguồn nhân lực cán bộ giảng thực hành để hướng dẫn thực hành khám, chữa bệnh ban đầu cho sinh viên y khoa, BS mới tốt nghiệp tại các cơ sở thuộc tuyến y tế cơ sở như trung tâm y tế, trạm y tế. Vì hiện nay, nhu cầu đào tạo ra các BS thực hành tổng quát (BS đa khoa) là rất lớn, thay vì chỉ tập trung đào tạo thực hành để trở thành các BS chuyên khoa tại các BV lớn hay bệnh viện quận. Việc đào tạo thực hành tổng quát (đa khoa) tại y tế cơ sở nhằm bao phủ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng là một nhu cầu từ thực tế rất cần được đáp ứng trong thời gian gần nhất.
Hiện nay, nhiều bệnh viện quận, huyện đã được các trường đại học chọn làm cơ sở thực hành bao gồm: BV Lê Văn Thịnh (cơ sở đào tạo thực hành của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TP.HCM). BV Q.11 (cơ sở đào tạo thực hành của Bộ môn Hồi sức cấp cứu, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). BV Q.Gò Vấp (cơ sở đào tạo thực hành của Bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). BV TP.Thủ Đức (cơ sở thực hành của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM)…
Bình luận (0)