TP.HCM với 5 giải pháp để ổn định tình hình lao động cuối năm

17/11/2022 14:20 GMT+7

Giờ công nhân lao động tan ca, bầu không khí của mái trọ gần Công ty TNHH Tỷ Hùng (Q.Bình Tân, TP.HCM) thường ngày vốn nhộn nhịp, nay bỗng đìu hiu, mang thêm những lo toan, buồn vui trước tết…

Công nhân chật vật trước tết

Đó là khu trọ 90 phòng nằm trong con hẻm sâu tại P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) được đa số công nhân lao động của Công ty TNHH Tỷ Hùng (chuyên sản xuất giày da xuất khẩu) thuê. Rất nhiều người trong số họ nằm trong 1.185 lao động mà công ty buộc cho thôi việc vì sản xuất kinh doanh khó khăn.

18 năm làm công nhân, chị Lan (48 tuổi, quê Trà Vinh) không giấu được bối rối khi nhắc đến dự tính tương lai sau khi công ty có thông báo thu hẹp sản xuất. Trước đó, đầu tháng 11, công ty chị ra thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185/1.822 lao động.

Chồng bà Lan bệnh nặng nên phải nghỉ việc để chữa bệnh. Bà Lan hiện là lao động chính trong gia đình, vừa phải lo chi phí sinh hoạt thường ngày, vừa lo tiền chữa bệnh cho chồng.

“Tất cả đều trông chờ vào đồng lương công nhân. Tôi làm 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu, giờ nghỉ ngang, mà công ty thì chẳng đặng đừng mới phải cho công nhân nghỉ, tôi thật cũng chưa biết tính sao”, bà Lan nói.

Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng tan ca về nhà trọ chuẩn bị bữa cơm chiều

XUÂN KHÁNH

Cách đó vài căn trọ, chị Dương Trúc Ly (38 tuổi, quê Cà Mau) lặng lẽ ngồi lặt rau, chuẩn bị bữa cơm chiều. Mối lo toan của chị bao năm qua vẫn là kinh tế. Vì muốn cải thiện cuộc sống, chị mới lên TP.HCM tìm cơ hội. Và khoản tiền chị kiếm được không chỉ lo cho bản thân, chị còn có 2 đứa con đang tuổi học dưới quê và cha mẹ già cần chăm sóc.

Chị thở dài: “Cuối năm tìm việc cũng rất khó. Nếu công ty khác không tuyển nhân viên chính thức, tôi tính hết tháng 11 này, tôi đi kiếm việc tự do để trang trải. Tôi không định về quê đâu. Ở dưới đó làm gì kiếm sống. Tôi đã định làm ở TP.HCM rồi, làm công nhân đến khi nào làm không nổi nữa thì về hưu. Thật ra chị em cũng bất ngờ là vì làm đã lâu rồi, không nghĩ có ngày công ty mình gắn bó gặp khó khăn như vậy”.

Có lẽ vì gắn bó, cống hiến đã lâu, nên khi mất việc, nhiều công nhân như chị Lan, chị Ly vừa lo lắng, song cũng đầy nuối tiếc. “Những ngày đầu nghe mình được cho nghỉ, buồn lắm. Buồn thêm là khi gần tết tới nơi rồi, mình phải loay hoay đi kiếm việc”, chị Ly chia sẻ.

5 giải pháp ổn định tình hình lao động - việc làm

Thực tế, đời sống khó khăn chồng thêm những khó khăn như trường hợp của chị Lan, chị Ly không phải là hiếm. Cuối năm nay, vì những biến động khó lường của thị trường kinh tế thế giới, nhiều công ty, đặc biệt là các công ty ở lĩnh vực dệt may - da giày xuất khẩu buộc phải sắp xếp, tổ chức lại lao động.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, thị trường lao động cuối năm tại TP.HCM được đánh giá sôi động. Nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM những tháng cuối năm tới 43.000 lao động, đặc biệt là lao động phổ thông ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm - những lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp tết.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, buộc phải giảm lao động hoặc cố gắng cầm cự bằng cách điều chỉnh thời gian làm việc của công nhân để phù hợp nhu cầu sản xuất, điển hình nhất là ngừng tăng ca.

Người lao động mất việc vì công ty sản xuất khó khăn lo toan trước tết

xuân khánh

Qua nắm bắt của các đơn vị chức năng tại TP.HCM cho thấy năm 2022 có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc hơn 2.800 người. Số doanh nghiệp thông báo giảm lao động bằng so với năm 2021, thấp hơn so với giai đoạn năm 2019 - 2020.

Trong thời gian tới, để ổn định tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2023, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết sẽ thực hiện quyết liệt 5 giải pháp:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ các quận, huyện và TP.Thủ Đức; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM; Ban quản lý khu công nghệ cao để theo dõi sát tình hình lao động - việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đồng thời, tăng cường giám sát việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; các cam kết của doanh nghiệp với người lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng của người lao động.

Thứ hai, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động; thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).

Thứ ba, giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2023; phối hợp thực hiện chăm lo tết cho công nhân lao động theo kế hoạch chung của Liên đoàn Lao động TP.HCM.

Thứ tư, yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ tết.

Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng; hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động.

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 4,7 triệu lao động, trong đó có gần 2,5 triệu người là lao động làm công ăn lương, có tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, có gần 249.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.