TP.HCM xây dựng năng lực số cho học sinh nghiên cứu khoa học, chọn nghề

27/11/2024 18:02 GMT+7

Ngày 27.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo Phát triển năng lực số gắn liền với năng lực nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT nhằm giáo dục và định hướng phát triển học sinh theo xu thế toàn cầu hóa.

TP.HCM xây dựng năng lực số cho học sinh nghiên cứu khoa học, chọn nghề- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề cập đến tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại hội thảo về năng lực số của học sinh

ẢNH: BẢO CHÂU

Theo thạc sĩ Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, việc trang bị kỹ năng số rất cần thiết, tạo cho học sinh những lợi thế như: Mở rộng cơ hội học tập bởi nhờ năng lực số, học sinh có thể tham gia vào những trải nghiệm học tập cá nhân hóa, tiếp cận các nguồn học liệu, tham gia các mô hình ảo và khám phá nội dung tương tác trên nền tảng số. Tăng cường sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Công nghệ số có thể được sử dụng để khuyến khích sự sáng tạo và giải quyết vấn đề. Bằng cách phát triển năng lực số, học sinh các cấp được chuẩn bị tốt hơn sau khi ra trường.

TP.HCM xây dựng năng lực số cho học sinh nghiên cứu khoa học, chọn nghề- Ảnh 2.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nói về lợi thế của năng lực số

ẢNH: BẢO CHÂU

Đề cao tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong quá trình thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018, theo thạc sĩ Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát triển năng lực số cần gắn liền với năng lực nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT.

Theo thạc sĩ Bảo Quốc, năng lực số và kiến thức, kỹ năng của học sinh trong nghiên cứu khoa học có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Việc phát triển năng lực số với các thuộc tính kiến thức, kỹ năng giúp học sinh lựa chọn, sử dụng phù hợp các công cụ tìm kiếm trực tuyến để tìm kiếm thông tin, dữ liệu về vấn đề đang quan tâm hay xu hướng nghiên cứu của học sinh.

Ngoài ra, năng lực số còn giúp học sinh đánh giá các thông tin cần thiết trong việc định hướng và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học với xu hướng nghiên cứu và sở trường của cá nhân. Xác định và cập nhật được những đề tài mới, những kết quả đạt được khi triển khai nghiên cứu. Đánh giá được độ tin cậy và độ giá trị của dữ liệu, so sánh được các dữ liệu của các công trình khoa học hiện hành, từ đó tìm ra hướng xử lý số liệu trong đề tài của mình…

Đặc biệt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM còn đề cập đến năng lực số với thái độ của học sinh trong nghiên cứu khoa học. Việc phát triển năng lực số sẽ giúp học sinh bảo vệ được kết quả nghiên cứu và dữ liệu cá nhân trước khi công bố chính thức. Biết cách chia sẻ các kết quả nghiên cứu an toàn và có hiệu quả bảo đảm tính bản quyền của cá nhân. Xây dựng được thương hiệu cá nhân với các hoạt động nghiên cứu khoa học của bản thân. Hạn chế các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất trong quá trình tìm kiếm thông tin nghiên cứu khoa học. Hiểu về những thiếu hụt cần phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của bản thân để tăng cường và cập nhật kiến thức hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu khoa học.

Cũng trong phát biểu từ nghiên cứu của mình, ông Quốc nhấn mạnh tác động của năng lực số đến những băn khoăn của dư luận xã hội về tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở học sinh. Theo ông Quốc, năng lực số sẽ giúp học sinh trang bị nhận thức và thái độ khi giúp đỡ người khác phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học. Nắm bắt cơ hội phát triển bản thân và luôn cập nhật công nghệ kỹ thuật số mới để nâng cao tư duy và định hướng rõ ràng hơn về nghiên cứu khoa học bản thân. Có thái độ trung thực và đề cao tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thông qua năng lực số để định hướng nghề nghiệp

Trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động giáo dục hướng nghiệp là một trong 4 mạch nội dung hoạt động chính trong mục tiêu và yêu cầu trong cả 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ ra rằng phát triển năng lực số cho học THPT nhằm xây dựng và định hướng cho học sinh từng bước tiếp cận với định hướng nghề nghiệp, từ những bước đầu nhận thức về định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh có hiểu biết về nghề nghiệp và những phẩm chất nghề nghiệp, thông qua môi trường số. Từ đó học sinh có thể hiểu được những tố chất nghề nghiệp, phân tích, đánh giá và lựa chọn những nghề nghiệp mà phù hợp với bản thân; thông qua phát triển năng lực số cho học sinh ngoài việc chắt lọc thông tin cho bản thân, học sinh còn có thể có bước tiến cao hơn là sáng tạo ra nội dung số liên quan đến định hướng nghề nghiệp.

Từ khung chương trình giáo dục môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Trung, Phó tổng giám đốc KDI Education, đề xuất tích hợp hướng nghiệp vào giáo dục kỹ năng số.

TP.HCM xây dựng năng lực số cho học sinh nghiên cứu khoa học, chọn nghề- Ảnh 3.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Gò Vấp, đề xuất về chương trình giảng dạy năng lực số

ẢNH: BẢO CHÂU

Còn ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Gò Vấp, đề nghị Sở GD-ĐT xây dựng chương trình bổ trợ về năng lực số để không chỉ phục vụ đại trà cho học sinh mà còn là giáo dục chuyên sâu trong hướng nghiệp và nghiên cứu khoa học. Các nội dung giáo dục khi triển khai sẽ trên tinh thần xã hội hóa có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, nếu có nhu cầu.

Trước những đề xuất của đại biểu tham dự hội thảo, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết mục tiêu của ngành GD-ĐT TP.HCM là làm sao phải xây dựng được hệ thống năng lực số hỗ trợ cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Trong thời gian tới Sở sẽ tiến hành khảo sát đánh khung năng lực số của học sinh và giáo viên để từ đó xây dựng hệ thống đồng bộ đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục, xây dựng TP thông minh cũng như xu hướng toàn cầu hóa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.