TP.HCM: Xét nghiệm phát hiện hàng ngàn lái xe dương tính với ma túy

28/12/2022 13:43 GMT+7

Qua xét nghiệm hàng chục ngàn lái xe (đi cấp, đổi giấy phép lái xe, khám sức khỏe định kỳ), các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM phát hiện hàng ngàn lái xe dương tính với ma túy.

Ngày 28.12, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo kết quả nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của ngành y tế TP. Báo cáo cho thấy hàng ngàn lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với ma túy.

Vi phạm nồng độ cồn, ma túy đối với người lái xe là rất nguy hiểm

DUY TÍNH

Hơn 6.300 ca cấp cứu vi phạm nồng độ cồn

Theo Sở Y tế, TP.HCM có 98 bệnh viện, cơ sở y tế tham gia mạng lưới cấp cứu tai nạn giao thông. Theo thống kê báo cáo từ các đơn vị gửi về Trung tâm Cấp cứu 115 tổng hợp từ 15.12.2021 đến 14.12.2022, các cơ sở y tế này đã tiếp nhận tổng cộng 61.351 ca đến cấp cứu tai nạn giao thông.

Trong đó, có 6.423 ca chấn thương sọ não, 6.311/24.812 trường hợp kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trong máu và 165 ca tử vong do tai nạn giao thông.

Về khám sức khỏe cấp, đổi giấy phép lái xe, trong năm 2022 các cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe (58 cơ sở) đã khám cho 57.025 lượt người. Đã làm xét nghiệm để phát hiện ma túy là 39.470 lượt, kết quả có 1.939 lái xe dương tính với ma túy. Khám sức khỏe định kỳ cho 42.763 lượt lái xe, có 9.661 lái xe được làm xét nghiệm để phát hiện ma túy và các chất kích thích. Kết quả có 69 lái xe có xét nghiệm dương tính với ma túy.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các phòng ban chức năng Sở, các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh (58 cơ sở) đăng ký đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe để kịp thời nhắc nhở, chỉnh sửa ngay trường hợp không đủ điều kiện quy định.

Nhiều bất cập, khó khăn

Trong báo cáo này, Sở Y tế TPHCM nêu lên một số bất cập về quy định trong công tác y tế liên quan đến giao thông, cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Cụ thể, theo Quy trình kỹ thuật định lượng Ethanol (định lượng nồng độ cồn), ban hành kèm theo Quyết định số 320 ngày 23.1.2014 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh" có quy định: “giá trị nồng độ cồn bình thường là <10.9 mmol/l” (tương đương dưới 50mg/100ml). Nhưng tại Thông tư liên tịch 24 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, công tác khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe ô tô chỉ quy định: “Sử dụng các chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 100 năm 2019 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì các trường hợp có mức độ cồn trong máu chưa đạt kết quả 50mg/100ml đã vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện giao thông tiện đường bộ, điều này gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình khám sức khỏe của người lái xe.

Bên cạnh đó, trường hợp người bị tai nạn giao thông trong tình trạng có sử dụng bia, rượu (đặc biệt là trường hợp nặng cần can thiệp khẩn) xử lý gặp rất nhiều khó khăn, như: các thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật; không hợp tác thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn... Ngoài ra, một số bệnh nhân bất tỉnh, không có người thân gây khó khăn trong khai thác bệnh sử và thu thập thông tin bệnh nhân hoặc bệnh nhân say xỉn và tình trạng quá kích thích (do nghiện ma túy...) không kiểm soát được hành vi, không hợp tác, gây áp lực, đe dọa nhân viên y tế.

Đồng thời, chi phí điều trị cho người bị tai nạn thường cao, vì đa số người bệnh đều cần thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng về chẩn đoán hình ảnh (CT-Scanner, MRI, X-quang, siêu âm) để đánh giá thiệt hại và xử lý các vị trí điều trị chấn thương như thủ thuật, phẫu thuật. Trong khi đó, không phải người bệnh nào cũng có người nhà để giải quyết và đủ khả năng tài chính để có thể phẫu thuật, thủ thuật khi cần thiết.

Về ngành y tế, do còn hạn chế về nhân lực nên các bác sĩ trực cấp cứu thường được điều động từ các khoa lâm sàng trong đơn vị nên chuyên môn và năng lực không đồng nhất. Một số cơ sở chưa được đào tạo về các lớp hồi sức cấp cứu cơ bản, nâng cao hoặc chuyên môn.

Tại một số cổng ra vào bệnh viện lớn của TP, tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra sau khi các cơ quan chức năng rời đi. Ý thức của một số bộ phận người dân về thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở y tế vẫn chưa cao. Tình trạng đậu xe, tập trung đông người tại các cơ sở y tế vẫn tiếp diễn với nhiều hình thức khác nhau, gây mất thời gian, công sức cho đội ngũ và nhân viên trật tự, an ninh tại các cơ sở y tế.

Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền kêu gọi người dân chấp hành an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn lái xe (không vi phạm nồng độ cồn, ma túy...), Sở Y tế đề xuất thống nhất quy trình điều phối, tiếp nhận, xử lý bệnh nhân cấp cứu áp dụng toàn TP, tránh trường hợp liên lạc đến cơ sở y tế nhiều lần ảnh hưởng đến thời gian điều trị bệnh nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.