Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp chúng ta “phẫu thuật” để biết điểm mạnh điểm yếu mà cấu trúc lại để người tiêu dùng vẫn có thể hưởng lợi mà người nông dân cũng ít bị thiệt thòi.
Mô hình chăn nuôi heo công nghiệp của một doanh nghiệp FDI - Ảnh: Chí Nhân |
Đó là những nội dung được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thảo luận tại hội thảo “Nông nghiệp VN và TPP: Cơ hội và thách thức” do Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức ngày 12.11.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia lĩnh vực nông nghiệp thành 3 nhóm ngành chính. Thứ nhất là những ngành có thế mạnh có thể cạnh tranh tốt như thủy sản, gỗ, cây công nghiệp. Nhóm này cần được đầu tư thêm để gia tăng sức mạnh và khả năng phát triển. Thứ hai, chưa có khả năng cạnh tranh là nhóm ngành chăn nuôi gia súc gia cầm lấy thịt như: heo, gà, vịt... nhóm này cần phải tích cực học hỏi, cải tiến để phát triển. Nhóm thứ ba là nhóm không có khả năng cạnh tranh như: đường, sữa.
“TPP được ký kết, người Việt có thể ôm bình sữa (ngoại) 2 lít uống thoải mái chứ không còn kiểu uống sữa bằng ly như hiện nay. Còn người chăn nuôi sẽ không có khả năng cạnh tranh”, TS Ngãi nói và nhận xét thêm bên cạnh sữa thì đường cũng là mặt hàng không có khả năng cạnh tranh trong sân chơi TPP vì giá thành sản xuất quá cao. Khi TPP có hiệu lực, người tiêu dùng hoàn toàn có lợi. Ngoài giá rẻ, sản phẩm của họ còn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Bên cạnh đó, trong khi nông sản nước ngoài sắp sửa ồ ạt tràn vào VN thì ngay chính các nhà sản xuất chế biến trong nước lại bỏ ngỏ thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Agrocom, nhận xét: “Chúng ta xuất khẩu cá tra chưa tới 3 USD/kg, tương đương khoảng 60.000 đồng. Ở VN ai cũng có khả năng sử dụng sản phẩm này. Trong khi đó nhiều bạn bè của tôi ở miền Bắc muốn tìm sản phẩm cá tra ăn lại không có. Các doanh nghiệp của chúng ta chỉ mải mê chinh phục thị trường nước ngoài mà bỏ rơi thị trường trong nước”.
Nhiều ý kiến lo lắng hiện nay chỉ một mình Công ty CP chăn nuôi CP VN (Thái Lan) đã có thể chi phối thị trường chăn nuôi từ con giống, thức ăn cho đến đầu ra sản phẩm thì khi tham gia vào TPP, thuế nhập khẩu nguyên liệu giảm, nhiều doanh nghiệp khác sẽ đầu tư vào lĩnh vực này. Lúc đó, doanh nghiệp và người nông dân VN sẽ không còn cơ hội phát triển. Ngành chăn nuôi sẽ chỉ có thể cạnh tranh ở “thị trường ngách” như: gà thả vườn, heo tộc...
Nếu không muốn ngành chăn nuôi bị “xóa sổ”, theo các chuyên gia, phải mạnh dạn mổ xẻ để biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu mà có giải pháp đột phá. “Con gà thả vườn, heo tộc... sẽ tồn tại nhưng không phải là thứ chúng ta có thể cạnh tranh. Phải dựa trên lợi thế về quy mô sản xuất để giảm giá thành. Các hộ sản xuất phải liên kết lại trong các hợp tác xã kiểu mới các hiệp hội sản xuất. Trên cái nền ấy, mới có thể “khâu nối” với các doanh nghiệp”, PGS Ngãi nói.
Thịt heo khó cạnh tranh vì chất cấm
Ngày 12.11, tại TP.HCM, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi tại các tỉnh thành phía nam. Theo báo cáo, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng gia tăng. Đáng quan ngại là chất cấm đã lan sang một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 12 tỉnh và thành phố trên cả nước phát hiện các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có 1/19 mẫu dương tính với chất Salbutamol; các trang trại chăn nuôi có 29/263 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol, nhiều nhất là ở Đồng Nai với 21 mẫu và Tiền Giang 7 mẫu. Tại các cơ sở giết mổ có 106/587 mẫu nước tiểu, chiếm 18,1%, dương tính với chất Salbutamol.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
|
Bình luận (0)