(TNO) TPP sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và thúc đẩy những cải cách trở thành không thể đảo ngược được.
Ông Vũ Quang Minh - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đây là nhận định của ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) với phóng viên Thanh Niên Online trong bài trả lời phỏng vấn với tư cách là một chuyên gia kinh tế và là người trong nhóm chuyên gia của Bộ Ngoại giao tham gia quá trình thúc đẩy việc đưa Việt Nam "lên chuyến tàu TPP trước thời hạn cuối cùng".
Ông Vũ Quang Minh nói: "TPP chắc chắn sẽ có những tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam ngoài chuyện đón đầu các lĩnh vực thuận lợi nhất như dệt may, giày dép... Quan trọng hơn là tham gia TPP giúp xác lập một vị thế tốt hơn cho Việt Nam trong bản đồ phân công lao động và các chuỗi giá trị toàn cầu. Chưa kể về mặt địa chính trị, TPP sẽ nâng tầm vị trí của Việt Nam lên rất nhiều. Trong TPP, ngồi cùng chiếu trong một sân chơi toàn cầu mới liên lục địa này thì vai trò của Việt Nam tăng lên nhiều.
Còn cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển kinh tế thương mại cũng đã được nói nhiều rồi. Tôi muốn nhìn những góc độ khác, những chuẩn mực của kinh tế phát triển, sự tham gia của Việt Nam như một mảnh ghép, sự bổ sung lẫn nhau giữa các nền kinh tế có quy mô, cơ cấu và trình độ phát triển khác nhau... Theo đúng lý thuyết về lợi thế so sánh thì không nước nào có thể tối đa hóa lợi ích nếu sản xuất tất cả mọi mặt hàng, và Việt Nam có thể lựa chọn những lĩnh vực mà mình có lợi thế so sánh để đầu tư sản xuất, xuất khẩu và giành được lợi ích nhiều hơn cho đất nước thông qua mở rộng thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ...".
* Còn những thách thách thức thì sao thưa ông?
Ông Vũ Quang Minh: Thách thức là điều tất nhiên. Như tôi đã chia sẻ, rất nhiều người ban đầu bày tỏ băn khoăn về việc tham gia TPP khi nhìn thấy những tay chơi lớn, những nền kinh tế hùng mạnh. Họ lo sợ rằng thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được... Nhưng nếu nhìn lại thì có thể thấy, trước TPP, Việt Nam bên cạnh tham gia sân chơi toàn cầu WTO, thực chất đã tham gia vào các mạng lưới cực kỳ chằng chịt và phức tạp các khu vực tự do thương mại (FTA) đa phương và song phương, khu vực và liên khu vực. Có thể nói Việt Nam là nền kinh tế duy nhất tham gia hầu hết mọi FTAs trong khu vực. Đó là những Hiệp định có chất lượng rất cao.
Chưa kể những thỏa thuận nói riêng trong Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (CEPT AFTA) đã tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay. Rõ ràng nếu không có TPP thì sự cạnh tranh cũng là có rồi và rất mạnh mẽ. Chỉ vài năm nữa thôi, thời gian chuyển đổi để Việt Nam thực hiện hoàn toàn các cam kết theo lịch trình tham gia WTO đều sẽ chấm dứt. Tôi cho rằng những cam kết mới trong TPP có thể làm tăng sức ép cạnh tranh đối với Việt Nam nhưng không đáng ngại vì như đã nêu, rõ ràng Việt Nam đang chịu cạnh tranh rất mạnh rồi.
Đặc biệt nếu nói tới Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay cạnh chúng ta và giữa Trung Quốc và ASEAN đã có FTA song phương, thì không cần có Hiệp định nào thêm nữa, với sự gần gũi địa lý, sức ép cạnh tranh cả về chi phí sản xuất lẫn quy mô của nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam đã là rất mạnh. Việc chúng ta phải đối phó với cạnh tranh từ các nước khác ngày một tăng lên là hiển nhiên, dù có TPP hay không. Nhưng với TPP thì ngoài thách thức cạnh tranh tăng lên còn có cơ hội mới.
* Trước khi vào WTO chúng ta cũng đã từng có rất nhiều kỳ vọng về những sự thay đổi lớn lao. Nhưng nhìn lại chúng ta có rất nhiều bài học. Với TPP, theo ông liệu chúng ta có thể tạo ra thay đổi, phát triển thực sự không hay lại vướng vào những vấn đề khiến chúng ta gặp khó khăn lâu nay?
Đây là một câu hỏi thú vị. Nếu nhìn lại thì không chỉ sân chơi WTO mà ngay trong ASEAN chúng ta cũng từng có bài học này. Việt Nam sau khi tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) thì sự chuẩn bị và tận dụng ân hạn (do ta tham gia chậm hơn các nước ASEAN-6) không được tốt. Các nước ASEAN đi trước đồng ý dành thời gian thực hiện đầy đủ các cam kết dài hơn cho Việt Nam không phải đơn giản là cho chúng ta thời gian thong thả nghỉ ngơi mà để giúp chúng ta có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, dần thích nghi và khi đến thời hạn thì có thể đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các thành viên khác. Cái đó không được thấm nhuần trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô. Nếu giả sử Việt Nam ngay từ đầu trong ASEAN có sự chuẩn bị tốt thì sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều.
WTO cũng là một bài học tương tự. Tuy nhiên những đánh giá về thiệt hại, thất bại của Việt Nam trong WTO cũng hơi có sự cường điệu vì không tính đến bối cảnh quốc tế. Không may cho Việt Nam sau khi tham gia WTO thì thế giới đi vào quá trình khủng hoảng kéo dài từ 2008. Một loạt các thị trường quan trọng của Việt Nam bị ảnh hưởng. Bối cảnh khó khăn như thế nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế khá, đặc biệt là thương mại tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao thì khó có thể nói là chúng ta đã thua thiệt.
Bài học ở đây là những gì chúng ta giành được trên bàn đàm phán như thời gian ân hạn, thời gian chuyển đổi thì chúng ta phải có kế hoạch tận dụng tốt nhất thời gian đó, nỗ lực nâng cao năng lực, sức đề kháng, khả năng cạnh tranh, đến khi tới thời điểm phải thực hiện toàn bộ các cam kết thì chúng ta đã trưởng thành, có đầy đủ sức mạnh cạnh tranh bình đẳng, thay vì chúng ta tranh thủ sự bảo hộ, hàng rào thuế quan còn được phép duy trì ở mức cao trong thời gian chuyển đổi để có những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
Các nhà đàm phán của chúng ta đấu tranh kiên cường trên bàn đàm phán để thuyết phục các đối tác của ta hiểu một nước có nền kinh tế ở trình độ phát triển thấp hơn cần có thời gian chuyển đổi, nâng cao năng lực, thì mình lại không tận dụng được hết những ưu đãi rất khó khăn mới có được này. Đó là điều cần rút kinh nghiệm.
Điểm quan trọng phải nhấn mạnh là hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cho những cải cách của Việt Nam trở thành không thể đảo ngược được. Thực sự không có sức ép, chúng ta sẽ không đẩy mạnh được quá trình cải cách. Đó là những cải cách có ý nghĩa lâu dài và sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước chứ không chỉ đơn giản là thực hiện các cam kết.
Bình luận (0)