TP.Thủ Đức gánh nhiều bất cập: Tăng quyền tự chủ cho TP.Thủ Đức

19/05/2023 05:29 GMT+7

Đa số các ý kiến đều cho rằng cần có cơ chế đặc biệt để tăng quyền tự chủ cho TP.Thủ Đức.

Chưa có tiền lệ

Theo TS Dương Như Hùng (Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), TP.Thủ Đức là mô hình TP trong TP nhưng đến nay vẫn quản lý giống như quận. Nghĩa là "thay áo" nhưng vẫn chưa cởi trói hết cơ chế phù hợp, nên sau gần 3 năm thành lập thì chỉ có vài thay đổi nhỏ.

TP.Thủ Đức gánh nhiều bất cập: Tăng quyền tự chủ  cho TP.Thủ Đức - Ảnh 1.

TP.Thủ Đức cần nhiều cơ chế đặc thù để phát triển. Trong ảnh: một góc khu đô thị Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức

ĐÌNH SƠN

"Bản chất việc này là chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nên nếu làm mạnh sợ không biết kết quả sẽ như thế nào, còn nếu không đổi mới thì vẫn như một quận. Trước mắt phải lập ra nhóm các nhà khoa học độc lập để đánh giá lại thí điểm thời gian qua hiệu quả như thế nào, có những điểm hạn chế cần thay đổi. Không nên để nhà quản lý đánh giá, vì như vậy sẽ không khách quan. Khi đã có sơ bộ kết quả rồi, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp", TS Hùng đề xuất.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu dẫn chứng hiện nay bộ máy, cơ chế của TP.Thủ Đức đang vận hành ngang như cấp quận, là một bộ phận của chính quyền TP.HCM. Như thế, TP.Thủ Đức không "có cửa" để bật dậy. Do đó, về mặt ngân sách TP.Thủ Đức phải là một cấp ngân sách, tự chủ ngân sách như một tỉnh. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư cũng cần được phân cấp.

Ông Châu cho rằng TP.Thủ Đức còn một số quỹ đất đặc thù có thể tận dụng làm nguồn lực để phát triển đô thị, tăng thu ngân sách. Đầu tiên là 4 khu chế xuất (Linh Trung 1, Linh Trung 2, Linh Trung 3 và Linh Xuân) đã gần hết thời hạn cho thuê đất, cần được quy hoạch lại để sử dụng hiệu quả tối đa. Thứ 2 là Khu công nghiệp Cát Lái đã chuyển đổi một phần, diện tích còn lại không còn phù hợp quy hoạch nữa, thì nên chuyển sang thương mại, dịch vụ, hạ tầng phục vụ logistics hoặc công nghiệp sạch. Những khu đất này có thể quy hoạch thành các khu đô thị.

Cơ chế ỦY quyền, phân cấp

Theo các chuyên gia, TP.HCM cần xác định những nút thắt nào đang níu chân TP.Thủ Đức, từ đó xin cơ chế, chính sách để tháo gỡ, tạo đột phá. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần ưu tiên là đầu tư và nguồn nhân lực. Liên quan đầu tư, đa số các ý kiến đều cho rằng TP.HCM cần mạnh dạn xin cơ chế ủy quyền, giao thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án cho TP.Thủ Đức vì có đầu tư thì mới phát triển. Khi đã có vốn rồi thì cần phải có con người thực hiện. Đó là những người có khát vọng, tham vọng đưa TP.Thủ Đức đi lên chứ không chỉ làm tròn vai, làm hết trách nhiệm. Do vậy, TP.Thủ Đức phải có thẩm quyền được tuyển chọn nhân sự, chính sách khuyến khích thu hút nhân tài, chủ động tìm kiếm người có năng lực quản lý. Những người không làm được việc, TP.Thủ Đức có quyền xử lý mà không phải xin ý kiến của UBND TP.HCM.

TS Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận định đầu tư hạ tầng, đầu tư phát triển đô thị tại TP.Thủ Đức từ ngày được thành lập đến nay rất yếu. Trong khi đó, TP.Thủ Đức hướng đến phát triển đô thị hiện đại, nên cần tận dụng lợi thế sẵn có là tuyến metro số 1 đã hoàn thành, các tuyến đại lộ, cao tốc và các tuyến xe buýt nhanh đang được triển khai để phát triển TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Theo mô hình này, việc phát triển đô thị sẽ tập trung quanh các nhà ga của các tuyến giao thông công cộng trên. Như thế, cần điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các nhà ga theo hướng tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi chức năng các khu đất một cách phù hợp và bảo đảm tính linh hoạt. Tổ chức tốt không gian đi bộ và các hệ thống đi lại kết nối từ nhà ga đến các khu vực xung quanh. Qua đó, nhà nước điều tiết giá trị gia tăng từ đất và ngược lại góp phần tăng lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị.

Trong lần làm việc với HĐND TP.HCM gần đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, cho biết TP đang kiến nghị một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức. Đầu tiên là HĐND, UBND TP.HCM được phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho HĐND, UBND TP.Thủ Đức. Chủ tịch UBND TP.HCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. TP.HCM cũng kiến nghị ngân sách TP.Thủ Đức được giữ lại toàn bộ tiền từ nguồn thu từ tiền sử dụng đất và toàn bộ số vượt thu so với pháp lệnh hằng năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh.

Về nhân sự, HĐND TP.HCM quyết định sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của TP.Thủ Đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển, nhưng không vượt quá cơ cấu tổ chức của đơn vị cấp tỉnh loại I. "Nâng cấp" Văn phòng đăng ký đất đai, Đội trật tự xây dựng và đô thị và Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP.Thủ Đức thay vì trực thuộc Sở TN-MT và Sở Xây dựng như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.