Trả BOT về đúng bản chất

30/06/2018 06:50 GMT+7

Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành, nhấn mạnh 2 chuyện: “Việc thu phí BOT phải gắn với đoạn đường thực tế được đầu tư” và “người dân có quyền lựa chọn giữa việc sử dụng dịch vụ không phải trả phí và dịch vụ phải trả phí BOT”.

Đây là những vấn đề bản chất, cốt lõi của BOT đúng nghĩa và cũng chính việc làm sai lệch bản chất này là nguyên nhân gây ra những bất ổn liên quan đến BOT thời gian qua; Trong khi, đây là một hình thức huy động vốn đầu tư cho hạ tầng khá tối ưu trong bối cảnh VN hiện nay.
Nghị quyết cũng chỉ rõ, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức đầu tư PPP nói chung; bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội… Có nghĩa rằng, Chính phủ đã biết rất rõ, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn thiếu minh bạch trong các dự án BOT nằm đâu đó trong chuyện chỉ định thầu, trong năng lực nhà đầu tư…
Điều này thể hiện quyết tâm của nhà nước trong việc minh bạch hóa, chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm trong vấn đề BOT nói riêng và vốn đầu tư công nói chung.
Tuy nhiên, như đã nói, câu chuyện ồn ào liên quan đến BOT thời gian qua còn là việc: người dân cần các trạm thu phí phải được đặt đúng chỗ, chứ không chỉ “giảm phí”, bởi lẽ dù trả chỉ 1 đồng nhưng vô lý thì cũng không công bằng với người tham gia giao thông. Nên yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp lý về BOT, rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm phải được hiểu là tìm giải pháp triệt để cho các trạm đang đặt sai chỗ. Sai thì phải sửa, ai sai phải chịu trách nhiệm, nguyên tắc giải quyết mọi bất ổn chỉ có vậy.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện có 17 trạm thu phí BOT đang đặt nhầm chỗ. Dự án làm một nơi, trạm thu phí đặt một nẻo. Mỗi trạm đặt sai vị trí đều có những lý do “lịch sử” và có thể cũng cần rất “thông cảm” với Bộ GTVT đang phải tính bài toán “dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp, người tham gia giao thông”, sau hàng loạt những bất hợp lý tồn tại xung quanh các trạm BOT. Song, muốn phát triển bền vững, muốn giải quyết tận gốc mọi vấn đề bất ổn phát sinh thì phải trả lại sứ mệnh tốt đẹp của BOT. BOT không bao giờ có thể là miếng bánh ngon cho các nhóm lợi ích chia chác, bất chấp hậu quả người dân và nền kinh tế phải gánh chịu. Dù có khó thì cũng phải giải quyết dứt điểm tồn tại ở những trạm sai chỗ, cùng với xử lý các cá nhân sai phạm.
Tin rằng, một khi Chính phủ đã quyết tâm tìm và sửa thì không có lý gì người dân không ủng hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.