Vào thế kỷ 18, người ta từng lo sợ phụ nữ tụ tập bên bàn trà chiều là cơ hội của những câu chuyện phiếm. Nhưng ngày nay, trà chiều đã trở thành không gian của các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đối tác cũng như thưởng lãm sự tinh tế đỉnh cao của loại thức uống quen thuộc với văn hoá Á Đông.
Bữa tiệc giác quan
Buổi chiều thả xuống đảo ngọc một hoàng hôn rực rỡ. Các nhân viên ở nhà hàng French&Co trong khu nghỉ JW Marriott Emerald Bay Phú Quốc vừa phục vụ xong một tiệc trà chiều cho du khách. Bàn được trang trí tỉ mỉ, từng chiếc nĩa, các khay bánh nhỏ nhiều màu sắc, những chiếc gối dựa lưng... tất cả đều được chuẩn bị chu đáo. Du khách vừa thưởng thức vị ngọt của bánh, vị đắng nhẹ của trà, vị mặn của làn gió biển vừa có thể bao quát cả đại dương thẫm màu vàng đỏ, in xuống nền rì rào sóng vỗ cuối ngày. Trà chiều ở đây dường như đầy đủ cả 5 giác quan. Thị giác, vị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác.
Những phần bánh ngọt trong bữa trà chiều của JW Marriott Emerald Bay Phú Quốc |
jw |
Trà chiều đến Việt Nam theo dòng du khách quốc tế và giới doanh nhân những năm đầu thế kỷ 21. Các khách sạn 5 sao ở TP.HCM và Hà Nội cũng nhanh chóng bắt kịp trào lưu, khi thay thế quán cà phê trong sảnh bằng nơi phục vụ trà chiều. Không ồn ào nhưng trà chiều đã và đang thu hút rất nhiều người, từ du khách, doanh nhân, giới trẻ, các gia đình...
Khoảng 3 giờ chiều, Park Lounge ở khách sạn 5 sao Park Hyatt (quận 1, TP.HCM) đã kín chỗ. Những khách muốn thưởng thức trà chiều ở đây chỉ có thể ngồi đợi hoặc di chuyển qua khu vực nhà hàng bên cạnh. Park Lounge chỉ giới hạn thời gian trà chiều từ 2 - 5 giờ những ngày trong tuần, mỗi phần cho hai khách giá từ khoảng 1,1 triệu đồng. Riêng thứ Bảy và chủ Nhật là buffet trà chiều. Các món bánh bao gồm bánh mặn như sandwich thịt lợn Iberico, bánh mì hoa cúc brioche tôm hùm, cá hồi phủ vụn bánh mì hoặc phô mai Meredith Valley. Bánh ngọt có bánh phồng nhân kem bưởi gừng, bánh dâu chanh, macaron cam việt quất hoặc bánh tart chocolate hương hoa hồi. Dĩ nhiên không thể thiếu những loại trà hảo hạng nhất trên thế giới.
Ở Hà Nội, những chiều tháng 8 vẫn còn nóng rát, giữa kiến trúc cổ kính kiểu Pháp của khách sạn 5 sao Metropole là một khoảng xanh mát mẻ luôn tấp nập thực khách sáng chiều. Đó là Le Club Bar, đưa du khách “xuyên không” trở về hơn 100 năm trước với những giai điệu cổ điển và tiệc trà chiều đông đúc giai nhân. Từ 3 giờ, tiệc trà mở ra và kết thúc lúc 5h30 mỗi ngày.
Dù có biến "biến thể" khi ra khỏi biên giới nước Anh nhưng những nguyên tắc thưởng thức trà chiều không thay đổi. Một "tier" bánh luôn có ba tầng; tầng dưới cùng là những mẩu bánh mặn; tầng giữa gồm có bánh mì, bơ, phô mai; tầng trên cùng là bánh ngọt. Khách thường ăn theo thứ tự từ tầng dưới lên. Ngoài ra cũng cần phân biệt "afternoon tea" phục vụ bữa ăn nhẹ có trà để chờ bữa chính, còn "high tea" là buổi trà no bụng, có nhiều món mặn.
Trà chiều đã trở nên phổ biến tại Việt Nam trong những năm qua, thu hút cả khách trẻ tuổi |
Shutterstock |
Nữ công tước đói bụng và tiệc trà chiều
Không nhiều người biết, tiệc trà chiều sang chảnh ngày nay lại bắt đầu từ cơn đói bụng lúc xế chiều của một nữ công tước nước Anh. Chẳng là trước kia, giới quý tộc Anh chỉ ăn mỗi ngày hai bữa chính, sáng và tối, bữa trưa ăn nhẹ. Đến năm 1840, với sự ra đời của đèn dầu, bữa tối được phục vụ muộn hơn. Và có người đã không hài lòng với bữa tối muộn. Đó là Nữ công tước thứ bảy xứ Bedford, Anna Maria Russell. Bà thường hay đói bụng vào tầm 4 giờ chiều và yêu cầu một khay trà, bánh mì và bơ (có khi là hai lát sandwich kẹp bơ) và bánh ngọt để “lót bụng”. Điều này dần trở thành thói quen không thể bỏ được. Sau đó, bà còn rủ rê bạn bè cùng thưởng thức trà chiều.
Khi Nữ công tước đến London, bà đã giới thiệu trà chiều với mọi người và nhận được ủng hộ đông đảo, cả Hoàng gia Anh cũng tán thành. Nữ hoàng Victoria cũng không ngoại lệ khi tỏ ra yêu thích ý tưởng của bữa trà chiều và dần có thói quen ăn bánh kem nhẹ với kem bơ và quả mâm xôi tươi, sau này gọi là món “Victoria sponge” (một dạng bánh bông lan lấy tên Nữ hoàng Victoria) cùng tách trà quý.
Vào thế kỷ 19, khi du nhập vào Mỹ, trà chiều đã có thêm sự xuất hiện của âm nhạc. Giới siêu giàu thưởng thức trà chiều trong khu vườn, nơi có dàn nhạc chơi những bản nhạc hợp thời. Còn các tầng lớp thấp hơn thưởng trà chiều trong những khách sạn và tham gia khiêu vũ.
Phần bánh mặn sandwich không thể thiếu trong một bữa trà chiều |
istetiana/Shutterstock |
Việc tạm dừng công việc vào giữa buổi chiều để uống một ly trà, thưởng thức các loại bánh không mất nhiều thời gian để trở thành trào lưu xã hội thời thượng. Trong suốt những năm 1880, tầng lớp thượng lưu ở Anh, nhất là phụ nữ sẽ mặc áo choàng dài, đeo găng tay và đội mũ tụ tập cùng bạn bè uống trà chiều tầm từ 4 - 5 giờ.
Phong tục uống trà của người Anh đã có từ lâu, chủ yếu phục vụ giới nhà giàu do việc nhập khẩu trà vào Anh ban đầu rất tốn kém và chịu mức thuế rất cao. Trà phải được trồng ở Ấn Độ hoặc Sri Lanka, rót từ bình trà bằng bạc vào những cốc bằng sành sứ tinh xảo. Tuy nhiên, ngày nay, các gia đình bình dân ở vùng nông thôn vẫn thưởng thức trà chiều theo cách riêng của họ. Có thể chỉ là chiếc bánh quy nhỏ và tách trà túi lọc.
Vũ khí của phụ nữ xưa
Để trải nghiệm một bữa trà chiều kiểu Anh truyền thống, du khách có thể đến các khách sạn cao cấp ở London hoặc thăm những quán trà cổ kính ở miền Tây nước này. Devonshire Cream Tea nổi tiếng trên toàn thế giới, với thành phần bao gồm bánh nướng, mứt dâu và quan trọng nhất là kem đông Devon, cũng như những tách trà ngọt nóng được phục vụ trong tách trà bằng sứ. Nhiều nơi khác ở miền Tây nước Anh cũng tuyên bố có các loại kem ngon nhất như Dorset, Cornwall và Somerset.
Trái với những gì du khách tưởng tượng, trà chiều ở Anh hiện nay thường được dành cho những dịp đặc biệt như sinh nhật. Tuy nhiên, những thứ cấu thành một bữa trà chiều cũng không thay đổi kể từ thời Nữ công tước Anna xứ Bedford. Đó là những loại trà lá rời như Assam, Earl Grey, Darjeeling, Lapsang Souchong được hãm trong bình và rót vào tách trà. Đó là các món ăn như bánh mì sandwich được cắt tinh tế cỡ ngón tay với nhân dưa chuột, sốt mayonnaise được đặt trên các khay bánh xếp tầng cùng các loại bánh ngọt. Ngoài ra có bánh nướng với kem đông và mứt nhưng những món này không trở thành đặc trưng cho đến thế kỷ 20.
Một phần trà chiều dành cho hai người ở khách sạn Metropole Hà Nội có giá khoảng 600.000 đồng |
vi nguyễn |
Tạp chí Time dẫn lời tác giả Alan và Iris Macfarlane cho rằng, tiệc trà quan trọng đối với địa vị của phụ nữ Anh vào những thế kỷ trước. Đó là nơi hiếm hoi phụ nữ chịu trách nhiệm chứ không phải đàn ông. “Tách trà như một thứ vũ khí mạnh mẽ trong tay phụ nữ và thậm chí, tất cả những xung đột giữa đàn ông và phụ nữ được trì hoãn trong quãng thời gian bên tách trà”.
Chuẩn bị bữa tiệc trà trong nhà đúng cách đã trở thành biểu tượng cho “vai trò nuôi dưỡng gia đình” của phụ nữ và là một trong số ít công việc nội trợ mà ngay cả phụ nữ quý tộc cũng phải làm, không giao cho người hầu.
Mặc dù cũng có người lo ngại rằng liệu uống trà ở nhà có khiến phụ nữ nói chuyện phiếm quá nhiều nhưng như nói trên, trà chiều không chỉ trở thành nét văn hoá không thể thiếu được với người Anh mà còn du nhập vào nhiều nước trên thế giới.
Bình luận (0)