Trả giá vì sơ sài

14/09/2014 03:00 GMT+7

Lâu nay lý do chậm tiến độ, đội vốn gấp 2 gấp 3 lần của các dự án đường sắt đô thị (metro) vẫn được các bên đổ lỗi cho việc giải phóng mặt bằng ì ạch, thiếu kinh nghiệm. Nhưng trên thực tế, nhiều dự án đã “mắc” ngay từ đầu do khâu lập báo cáo đầu tư sơ sài.

Lâu nay lý do chậm tiến độ, đội vốn gấp 2 gấp 3 lần của các dự án đường sắt đô thị (metro) vẫn được các bên đổ lỗi cho việc giải phóng mặt bằng ì ạch, thiếu kinh nghiệm. Nhưng trên thực tế, nhiều dự án đã “mắc” ngay từ đầu do khâu lập báo cáo đầu tư sơ sài.

Dẫn ra câu chuyện cụ thể của tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong cuộc họp vừa diễn ra, Phó chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã phải chua chát nhận xét, dự án vừa ký xong, chưa kịp triển khai, chỉ rà soát trên giấy tờ vốn đầu tư đã tăng gấp đôi. Lỗi do ban đầu khi lập báo cáo đầu tư chỉ mới là “cái vỏ” để ký kết hợp đồng vay vốn. Theo Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng, do các dự án chưa có tiền lệ, chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức đầu tư thấp dẫn đến phải điều chỉnh về sau.

Vậy lỗi này do đâu và ai chịu trách nhiệm chính? Khâu chuẩn bị dự án rất quan trọng, là mấu chốt để dự án được phê duyệt. Tất nhiên không thể phủ nhận, nhiều cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị dự án thiếu trình độ, kiến thức, hoặc làm nghiên cứu kiểu bàn giấy, không sát với thực tế, lập qua loa cho có, chưa tính hết các rủi ro và những tác động khách quan, khiến khi triển khai dự án phải liên tục điều chỉnh lại. Nhưng có lẽ vấn đề không thể đơn giản do con người thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh. Sâu xa hơn, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, lập dự án với con số đẹp, mức đầu tư thấp bao giờ cũng dễ được phê duyệt, chấp thuận đầu tư hơn, đó là chưa kể tới những mập mờ, “ăn chia” phía sau mỗi dự án.

Bên cạnh đó, rõ ràng lỗi không chỉ của phía lập dự án, mà lỗi chính từ cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án khi đã buông lỏng trong thẩm tra, giám sát, chấp thuận thông qua sự sơ sài trong khâu chuẩn bị, dẫn đến dự án phải trả giá về sau.

Nhìn rộng ra, lỗi chuẩn bị đầu tư kém này không chỉ là câu chuyện riêng của các dự án metro, hay ngành giao thông, mà là tình trạng nhức nhối của rất nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác. Mà mô hình chung dễ thấy là chất lượng hồ sơ dự án thấp, tư vấn đầu tư, thiết kế chưa tốt, chuẩn bị các số liệu lập nghiên cứu khả thi, thiết kế, khảo sát thi công chưa đầy đủ.

Đáng nói hơn, phần lớn các dự án có chung mô hình này đều lại là các dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn vay ODA, thậm chí là vốn vay thương mại. Tiền “chùa” tiêu không ai xót, việc buông lỏng các khâu chuẩn bị có thể mang lại lợi ích cho một số ít cá nhân, nhưng hệ quả dự án phải điều chỉnh, tăng vốn gấp vài lần thì chính người dân phải gánh. Vì dù sử dụng hình thức vốn nào, thì cũng đều là đồng tiền đóng thuế từ mồ hôi nước mắt của người dân. Đặc biệt, với hàng loạt dự án vay vốn nước ngoài trị giá hàng tỉ USD, sự lỏng lẻo, hời hợt thiếu trách nhiệm với đồng vốn vay ngày hôm nay, sẽ là gánh nặng nợ nần lên đời con cháu trong nhiều năm tới.

Người dân cũng kỳ vọng, khi chính những người có trách nhiệm đã “điểm mặt chỉ tên”, biết rõ lỗi từ khâu nào, sẽ đưa ra các biện pháp rà soát, chấn chỉnh nghiêm và hiệu quả với từng cá nhân chịu trách nhiệm bên dưới, chấm dứt câu chuyện “sơ sài để ăn tiền” như hiện nay.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.