Trả giá xuất thô tài nguyên

10/12/2014 03:58 GMT+7

Từng được coi là “mỏ vàng đen” của châu Á nhưng VN giờ đây đang phải nhập than . Nghịch lý này không gây bất ngờ, thậm chí là tất yếu từ hoạt động của ngành than lâu nay.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, VN vừa ký nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm, nhưng giai đoạn 2006 - 2011 chúng ta đã xuất tới 21 triệu tấn.

Chẳng nói đâu xa, mới chỉ năm trước chúng ta cũng đã xuất khẩu tới gần 13 triệu tấn và đó mới chỉ là con số chính thức, chưa kể đến xuất lậu. Nếu như bây giờ chúng ta đang đau đầu đi tìm đối tác để mua than thì cũng chỉ cách đây 3 năm, năm 2011, VN nằm trong top 5 nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Trước đây, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu than đá lớn của VN nhưng sang năm nay, tính đến hết tháng 9, theo Tổng cục Hải quan, VN đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ nước này với tổng giá trị hơn 92,5 triệu USD. Từ vị trí người bán, chúng ta đã “đổi vai” trở thành người mua, người phụ thuộc.

Còn nhớ liên tục nhiều năm, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về việc ngành than chỉ chăm chăm “đào than lên để bán” nhưng Vinacomin (Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN) không những bỏ ngoài tai mà còn tìm đủ mọi cách để đẩy mạnh xuất khẩu. Như việc xin giảm thuế xuất than từ 13% xuống 10% vào cuối năm 2013 hay biện minh rằng loại than bán đi là than tốt, trong nước không sử dụng... Tư duy và cách làm đó đã biến VN từ một “ông lớn” về trữ lượng than chuyển sang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, mua cũng khó vì các nước đều có xu hướng "siết lại", hạn chế tối đa việc bán loại tài nguyên không tái tạo này. Nói như một số chuyên gia, đây là “lời nguyền tài nguyên” mà chúng ta đang phải trả giá. Bởi vì nếu không đủ than với giá hợp lý (chúng ta xuất than với giá rẻ nhưng nhập than thì giá đắt) thì hàng loạt dự án nhiệt điện chạy than sẽ chạy cầm chừng, chuyển địa điểm hoặc đóng cửa.

Không chỉ chuyện nhập than, ngay tại lúc này, việc ngân sách bị ảnh hưởng nặng từ giá dầu thô giảm mạnh cũng là một lời cảnh báo cho việc phát triển dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Theo tính toán của Chính phủ, giá dầu thô cứ giảm 1 USD/thùng sẽ làm ngân sách nhà nước hụt thu khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới đã giảm tới trên 30% tính từ đầu năm đến nay và dự báo xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục. Vì thế, đây là lúc phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên vì lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc biến động trên thị trường thế giới mà còn làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước.  

Xuất thô tài nguyên được ví như "ăn thịt chính mình" nhưng nhiều năm qua, tình trạng này vẫn diễn ra khắp nơi và hầu như không thể kiểm soát nổi. Đặc biệt với những ngành khai thác khoáng sản như than, bauxite, titan… chúng ta đều xuất thô với giá rất thấp, chưa kể hàng loạt các ưu đãi kèm theo. Xuất thì dễ nhưng nhập thì không hề đơn giản. Đó là lý do nhiều nước trên thế giới dù sở hữu tài nguyên nhưng "để dành" và tranh thủ nhập khẩu từ nước khác. Như Mỹ có trữ lượng dầu lớn nhưng vẫn nhập khẩu dầu, Trung Quốc nhập than, Na Uy nhập gỗ...

Đã đến lúc phải có biện pháp quyết liệt hơn để dừng ngay việc xuất than nói riêng và xuất thô tài nguyên nói chung.

Ý kiến của nhiều bạn đọc phản hồi về bài viết Trả giá xuất thô tài nguyên và Nhập than sau khi xuất ồ ạt đăng trên Thanh Niên ngày 10.12.

Không thể chấp nhận

Việc xuất thô than đá và hậu quả nhãn tiền dù đã được cảnh báo hàng chục năm nay nhưng không thấy nhà nước có chính sách điều chỉnh kịp thời. Đến nay thì chúng ta phải trả giá: nhập khẩu than trở lại với giá cao. Đây là nghịch lý không thể chấp nhận được và phải được các cơ quan thẩm quyền giải thích một cách công tâm, có trách nhiệm trước toàn dân.

Lê Trung Hiếu
([email protected])

Quản lý yếu kém

Báo chí đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về khai thác tài nguyên khoáng sản loạn xạ, xuất khẩu thô sẽ trả giá, nhưng chẳng ai nghe. Trong khi đó, Bộ Công thương cứ che chắn cho việc xuất khẩu than là không thể dừng, còn Bộ Tài chính cũng gật đầu giảm thuế cho xuất khẩu mặt hàng này. Rõ ràng là quản lý điều hành kinh tế chưa ổn.

Đỗ Quang Đán
([email protected])

Truy trách nhiệm người gây thiệt hại

Đã biết xuất khẩu tài nguyên thô là như “ăn thịt chính mình”, vậy mà những người quản lý nguồn tài nguyên, nhất là ngành than vẫn vô tư xuất khẩu ồ ạt, bây giờ phải nhập khẩu trở lại làm thiệt hại kinh tế nước nhà thì thật quá vô lý, quá vô trách nhiệm. Phải truy trách nhiệm những cơ quan, cá nhân nào để xảy ra tình trạng này, không thể để kéo dài làm khánh kiệt nguồn tài nguyên của đất nước.

Trần Thiên Lý
([email protected])

 

Cứ quản lý kiểu này thì dù là “rừng vàng biển bạc” cũng sẽ cạn kiệt. Con cháu chúng ta sau này sẽ bị phụ thuộc tài nguyên khoáng sản nước khác, phải nhập về giá cao.

Lê Công Thảo
(H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế)

 

Phải có tầm nhìn sâu xa và phải nghĩ tới việc vun vén, gìn giữ để lại cái gì cho con cháu mai sau, chứ cứ vin vào cái nghèo, cái khó, cái thiếu để đào bới tài nguyên đem bán thì cần gì quản lý nhà nước.

Bùi Quốc Thắng
(H.Đức Hòa, tỉnh Long An)

 
 

Bùi Chiến
(thực hiện)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Nguyên Khanh

 >> Tiếp tục nhập khẩu than
>> Sau năm 2015 mới phải nhập khẩu than
>> Cấm xuất khẩu tất cả khoáng sản, trừ dầu thô và than đá
>> Giảm thuế xuất khẩu than xuống 10%
>> 3 sai phạm của Hải quan trong thủ tục xuất khẩu than

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.