Trả học phí không dùng tiền mặt sao cho tiện lợi?

08/01/2019 08:02 GMT+7

Hưởng ứng và đồng tình với phương thức thanh toán các khoản phí trong trường học không dùng tiền mặt nhưng phụ huynh vẫn mong muốn có sự linh hoạt, tiện lợi cũng như không phải chịu sự chi phối của bất kỳ một dịch vụ nào.

Không muốn “chầu chực” đóng học phí

Theo quy định của Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 02, trường học cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ như bệnh viện, điện lực, viễn thông, cấp thoát nước… thực hiện thanh toán học phí, viện phí, tiền điện, nước bằng phương thức không dùng tiền mặt. Với thông tin này, khá nhiều phụ huynh thể hiện thái độ đồng tình nhưng cho rằng cần có giải pháp linh động.
Chị Lê Vân Quyên, phụ huynh một trường tiểu học tại Q.9, TP.HCM, cho rằng việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt là xu hướng của xã hội văn minh bởi tối ưu hóa những hoạt động lao động thủ công và tiết kiệm thời gian… Phụ huynh này khá hào hứng trước phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và cho biết: “Có tháng tôi phải “chầu chực”, tranh thủ giờ đưa đón để đóng tiền học cho con do nhà trường quy định mỗi khối lớp đóng tiền vào một ngày và 2 khung giờ cụ thể. Rồi phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ theo thông báo của trường… Nói chung là rất bất tiện”.
Còn phụ huynh N.T.B.V, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), kể rằng: “Có tháng nhận giấy báo đóng tiền học cho con nhưng đến phòng tài vụ đóng thì thấy phụ huynh xếp hàng đông quá, sợ không kịp giờ đến cơ quan làm việc nên “tặc lưỡi” mai đóng. Vậy mà có tháng quên luôn cho đến kỳ đóng tiền học của tháng sau”.
Ngược với tình cảnh này, phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, lại khá thoải mái trong việc đóng tiền hằng tháng do trường đã thực hiện việc thu học phí không bằng tiền mặt. Ông Đỗ Đức Vượng, phụ huynh của trường này, cho hay ngay từ đầu năm, nhà trường cung cấp số tài khoản và ghi chú phụ huynh có thể chuyển khoản học phí qua ngân hàng kèm hướng dẫn rất tiện lợi.

Tránh áp đặt dịch vụ trung gian

Dù đồng tình với việc không dùng tiền mặt khi thanh toán học phí nhưng nhiều phụ huynh cho rằng phải đi kèm với các hình thức thanh toán linh hoạt và mang tính cộng đồng chứ không nên áp đặt khiến phụ huynh phải lệ thuộc vào bất kỳ một dịch vụ nào.
Chị Nguyễn Ngọc Hạnh, phụ huynh học sinh một trường THCS tại Q.Bình Thạnh, cho rằng việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, nhà trường phải thực hiện sao cho không khiến phụ huynh hoang mang và băn khoăn như việc triển khai thẻ học đường trước đây. Làm sao để phụ huynh thực sự thấy tiện lợi chứ đừng khiến họ thấy bị ép buộc, bị động và bắt buộc phải sử dụng một dịch vụ trung gian. Như thế mới gọi là tiện ích, hiệu quả.
Tương tự, ông Đào Anh Vũ, phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nói rằng hiện nay ở VN, đặc biệt là các thành phố lớn, đa số người dân ai cũng có từ 1 đến 2 thẻ ATM để giao dịch và đi kèm với đó là dịch vụ thanh toán ngân hàng trực tuyến. Trường học nào cũng có tài khoản ngân hàng nên chỉ cần nhà trường cung cấp thông tin thì phụ huynh có thể thanh toán bất cứ khi nào với hình thức thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, phụ huynh Lê Vân Quyên cho rằng có thể phương thức không sử dụng tiền mặt chỉ thuận tiện đối với phụ huynh ở các tỉnh, thành lớn, các khu vực nội thành, nội đô do vậy các trường cũng nên linh hoạt với những phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa. Ở những khu vực này, vẫn nên sử dụng việc đóng học phí bằng tiền mặt nếu phụ huynh cần và chưa đủ điều kiện để tham gia.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận thời gian trước do thực hiện thí điểm “vừa làm vừa tìm hiểu” nên thẻ học đường SSC chưa đảm bảo tính tiện ích cho người sử dụng. Sở GD-ĐT sẽ có sự tính toán để việc thanh toán học phí là một phương thức sử dụng của thẻ SSC. Đặc biệt, sẽ không còn hạn chế một vài ngân hàng như trước đây mà thẻ kết nối với tất cả các ngân hàng để phụ huynh dễ dàng sử dụng. Đồng thời, phụ huynh có thể sử dụng các phương thức thanh toán linh hoạt khác không dùng tiền mặt như chuyển khoản…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.