Một chiếc bình ông John Gomperts thừa kế từ bà mình |
chụp màn hình the guardian |
The Guardian ngày 11.11 đưa tin ông John Gomperts, sống ở Washington, Mỹ đã trả lại cổ vật sau khi nhận ra rằng những đồ vật giá trị lên tới 94.000 USD mà ông được thừa kế từ bà mình có thể đến từ các cuộc khai quật bất hợp pháp. Chúng không có tài liệu ghi nhận nguồn gốc.
Ông Gomperts muốn làm điều đúng đắn. Vì vậy, sau khi thỏa thuận với hai anh chị em của mình, ông Gomperts đã lần lượt trả lại cổ vật cho Ý, Hy Lạp, Cyprus và Pakistan.
“Đó có vẻ là điều đúng đắn cần phải làm. Tôi đã đọc những câu chuyện về hồi hương cổ vật và nghĩ tôi cần phải xem có thể trả lại những món đồ 2.500 năm tuổi cho các nước khác hay không”, ông Gomperts cho biết.
Ban đầu, ông Gomperts lo lắng rằng mình có thể gặp rắc rối với chính quyền vì có khả năng phạm tội cướp những cổ vật ông đang sở hữu.
Ông Gomperts nhận thấy các bài viết của The Guardian có nhắc đến giáo sư Christos Tsirogiannis, từng là nhà khảo cổ học tại Đại học Cambridge và là một chuyên gia về cổ vật. Do đó, ông Gomperts đã liên hệ ông Tsirogiannis để xin lời khuyên.
Mỹ sẽ trả lại 30 cổ vật cho Campuchia |
Ông Tsirogiannis đang là trưởng nhóm nghiên cứu buôn bán cổ vật trái phép tại Đại học Ionian ở Corfu, Hy Lạp. Trong hơn 15 năm, ông đã xác định được hơn 1.600 cổ vật là hàng trộm cắp trong các nhà đấu giá, phòng trưng bày thương mại, bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng. Chuyên gia Tsirogiannis sau đó báo cho các cơ quan cảnh sát, chính phủ và đóng một vai trò quan trọng trong việc hồi hương cổ vật.
Chuyên gia Tsirogiannis cho biết ông Gomperts đã nêu lên một tấm gương tuyệt vời. “Ông ấy đã liên hệ với tôi. Đây là lần đầu tiên chủ sở hữu cổ vật không có nguồn gốc rõ ràng xin lời khuyên để làm điều đúng đắn”, ông Tsirogiannis nói.
Chuyên gia Tsirogiannis xác định bộ sưu tập của ông Gomperts có 12 cổ thuộc về Hy Lạp, 4 đồ vật của Ý, 1 đồ vật của Pakistan và 2 đồ vật của Cyprus. “Tôi đã khuyên ông ấy trả lại chúng”, ông Tsirogiannis nói.
“Tôi đã nói với ông ấy: ‘Nếu làm theo lời khuyên của tôi thì ông sẽ không gặp khó khăn gì mà còn trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Hãy gói chúng vào một chiếc hộp và đến đại sứ quán của các nước. Hãy sử dụng tên của tôi - điều này sẽ bảo vệ ông”, ông Tsirogiannis kể.
Các món đồ được trả lại bao gồm hai đĩa gốm từ thế kỷ 4 được trang trí bằng những màn nhào lộn do các họa sĩ miền nam nước Ý vẽ, một cái lebes gamikos - chiếc bình từ thế kỷ 4 được sử dụng trong các nghi lễ kết hôn của người Hy Lạp cổ đại - và một mảnh phù điêu bằng đá thể hiện những người theo đạo Phật, được chạm khắc vào thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3.
Ông Gomperts hiện là cố vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận. Bà ông, Gisela Schneider-Herrmann, là người Đức gốc Hà Lan. Bà Schneider-Herrmann qua đời năm 1992 ở tuổi 98. Khi còn sống, bà tích cực tham gia nhiều cuộc khai quật, đặc biệt là ở Ý và Hy Lạp trong những năm 1950 và 1960 và xuất bản các bài báo học thuật.
Một vài cổ vật có biên lai. Tuy nhiên, chuyên gia Tsirogiannis nhận ra mối liên hệ của chúng với những kẻ buôn bán cổ vật bất hợp pháp ở Hy Lạp vào những năm 1950 và 1960. “Vì vậy, tôi khuyên ông ấy hồi hương cổ vật ngay lập tức”, ông Tsirogiannis nói.
“Tôi đã gõ cửa các đại sứ quán và nói rằng tôi muốn giao một món hàng. Tôi muốn hồi hương những thứ này”, ông Gomperts kể.
Các quốc gia đánh giá cao hành động này và đã gửi lời cảm ơn đến ông Gomperts cùng chuyên gia Tsirogiannis.
Bình luận (0)