Trả lương 150 triệu đồng có thu hút được nhân tài?

07/08/2022 15:50 GMT+7

Trả lương 150 triệu đồng thu hút nhân tài lại một lần nữa nóng trở lại từ cuộc họp báo mới đây của Bộ Nội vụ. Vậy việc trả lương cao có phải là giải pháp để thu hút chuyên gia giỏi về làm việc?

Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3 diễn ra hôm 5.8, đại diện Bộ Nội vụ đã chia sẻ thông tin liên quan đến đề xuất trả lương 150 triệu thu hút nhân tài của TP.HCM.

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Tiền lương chỉ là yếu tố cần, chưa phải yếu tố đủ trong việc thu hút người tài"

HCMIU.EDU.VN

Trước câu hỏi của báo chí cho rằng “vừa qua có ý kiến đề xuất TP.HCM nên quy định mức lương trần 120 - 150 triệu đồng để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc đóng góp cho sự phát triển của TP”, đại diện Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết đây là vấn đề Vụ này “rất trăn trở”. Hiện Vụ đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài và đang đi đến những khâu cuối cùng để hoàn thiện, trình lãnh đạo bộ trước khi trình Thủ tướng.

Không phải đến thời điểm này chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM mới được đặt ra bàn luận. Đặc biệt, đây là vấn đề luôn được phân tích khi TP.HCM thực hiện cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng. Trong 5 năm thí điểm (2018-2022), TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đã đưa ra những giải pháp thu hút nhân tài cho TP.HCM thời gian tới. PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận: “Tôi nghĩ để thu hút nhân lực chất lượng cao về đóng góp cho thành phố, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ hay giáo dục, thì cần nhiều yếu tố. Cụ thể từ mức lương, các đãi ngộ cho đến môi trường làm việc và trong đó mức lương hợp lý là không thể thiếu”.

PGS Nguyễn Phương Thảo nói thêm: “Đã là “người tài”, những người đã thành công và có vị trí trong lĩnh vực của họ, thì mức lương trần 120-150 triệu đồng/tháng chắc chắn không cao, đặc biệt là với các chuyên gia từ nước ngoài. Đó chỉ là mức lương đủ để những người giỏi và muốn yêu quý, muốn cống hiến cho việc phát triển thành phố có thể yên tâm làm việc mà thôi chứ khó mà thực sự thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài về”.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định: “Tiền lương chỉ là yếu tố cần, chưa phải yếu tố đủ trong việc thu hút người tài. Các yếu tố khác như môi trường làm việc, cơ chế quản lý... cũng rất quan trọng để những nhà nghiên cứu trẻ, kể cả những người đã thành danh muốn góp sức cho đất nước, có trở về hay không”.

“Ngoài ra, chúng ta cần có hệ thống đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc sao cho chính xác và hợp lý nhất, nhằm sử dụng hiệu quả các đầu tư cho nhân lực cũng như tạo động lực làm việc không chỉ với các chuyên gia mà cho người lao động nói chung”, PGS Phương Thảo nhấn mạnh.

GS về chính sách công Trần Ngọc Anh, giảng viên Trường ĐH Indiana (Mỹ), phát biểu tại tọa đàm của ĐH Quốc gia TP.HCM chiều 13.7

h.a

Liên quan đến vấn đề này, tại tọa đàm “Đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai nghị quyết 54/2017/QH14” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 13.7, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng đã đặt vấn đề: “Việc trả lương cao so với mặt bằng chung để thu hút có phải là cách làm, cách giải quyết vấn đề từ gốc hay mới chỉ là phần ngọn?”. Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nói: “Nhìn qua Singapore, có vẻ như họ làm từ gốc - thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore”.

Cũng chia sẻ tại tọa đàm trên, GS về chính sách công Trần Ngọc Anh, giảng viên Trường ĐH Indiana (Mỹ), cũng đưa ra góc nhìn của mình về sự phát triển nhân tố con người trong khu vực công hiện nay. Ông cho rằng, muốn phát triển động lực khu vực công thì cần có 2 thứ, trong đó thứ nhất là thu nhập đảm bảo. Nhưng GS Ngọc Anh vẫn cho rằng, nếu chỉ tăng lương không thì không đủ mà còn phải có hệ thống đánh giá cán bộ. Khi đánh giá cán bộ một cách thực chất sẽ tạo được động lực làm việc.

Trước đó, như Thanh Niên đã đưa, năm 2019 TP.HCM có quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022. Trong thời gian này, TP.HCM chỉ thu hút được 5 chuyên gia là chưa hoàn thành việc thu hút nhân tài theo kế hoạch đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.