Trả sân cho doanh nghiệp tư nhân

11/05/2018 04:44 GMT+7

Đầu tư trong nước thua lỗ, đầu tư ra nước ngoài kém hiệu quả... trong khi sở hữu vốn lớn, hưởng nhiều ưu đãi, được hỗ trợ đủ kiểu... là câu chuyện quá cũ khi nói về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Ai cũng biết cần phải đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp (DN), tập trung nguồn lực cho khối tư nhân phát triển nhưng công cuộc tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn luôn bị trì hoãn.
Cả thập niên qua, thoái vốn nhà nước vẫn chậm đều. Hầu như năm nào chúng ta cũng gặp một điệp khúc, công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn ì ạch dù Chính phủ liên tục đốc thúc và hoàn thiện hơn các văn bản pháp lý liên quan. Số lượng DN thuộc diện nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa cũng còn lớn, làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Dẫn đến việc tái cơ cấu, nâng cấp bộ máy, nền tảng quản trị bị hạn chế.
Có nhiều lý do được đưa ra, nào là “sếp” DNNN sợ mất chức nên cố tình trì hoãn; các bộ chủ quản không muốn “nhả” con gà đẻ trứng vàng; chỗ này chỗ kia lại sợ trách nhiệm nếu làm rõ thua lỗ, thất thoát; một số trường hợp viện cớ thị trường không thuận lợi, cổ phần hóa sẽ dẫn đến bán rẻ vốn nhà nước... Nhưng là lý do thì cũng có chung một kết quả, cổ phần hóa luôn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. DN tư nhân vẫn tiếp tục bị chèn lấn, tiếp tục bị thua thiệt trong việc tiếp cận vốn, đất, thủ tục cũng như các tư liệu sản xuất khác khi các “ông lớn” DNNN vẫn còn nằm nguyên đó.
Chúng ta đều biết, các tập đoàn - tổng công ty nói riêng và DNNN nói chung đều là “con cưng” của các bộ, ngành, địa phương. Cơ chế bộ - ủy ban nhân dân chủ quản biến nhiều DNNN trở thành “sân sau” của các đơn vị này, để họ thoải mái bổ nhiệm người nhà, thành lập công ty con rồi “vung tay quá trán” bất chấp hiệu quả đầu tư. Quan trọng hơn, vì là cơ quan chủ quản nên khi soạn thảo, ban hành hay tham mưu chính sách nên các bộ ngành sẽ có tâm lý nghiêng về tạo thuận lợi cho các DNNN, những đứa “con cưng”, đẩy phần khó, xương xẩu cho các DN tư nhân.
Đáng nói là dù được tạo thuận lợi, được ưu ái - hỗ trợ thì hoạt động của khối DNNN hầu hết đều kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát. Hàng loạt các vụ đại án đã và vẫn đang được “khui” ra với không ít “sếp” bị truy tố cho thấy, DNNN không còn “ngon ăn”, không dễ xuê xoa trốn trách nhiệm như trước đây. Vì thế, đừng trì hoãn, níu kéo nữa mà hãy nhanh chóng đẩy nhanh quá trình thoái vốn. DNNN chỉ nên làm những gì tư nhân không làm thay vì “nhảy” vào cạnh tranh trực tiếp với họ. Đặc biệt, cần xóa bỏ cơ chế bộ ngành chủ quản để chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, trả lại sự công bằng, bình đẳng cho môi trường kinh doanh.
Chỉ khi đó, DN tư nhân mới có thể thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế như mục tiêu và mong muốn của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.