Trà thảo mộc độc đáo của châu Âu chế biến từ rễ và… trái cây

03/03/2022 21:09 GMT+7

Trà thảo mộc có truyền thống lâu đời trong văn hóa châu Âu, thường được làm từ vỏ, hoa và hạt của những loại cây dễ tìm nhưng có nhiều loại trà rất độc đáo làm từ rễ và... trái cây.

Ở đây, xin giới thiệu những loại chưa phổ biến rộng ở các châu lục khác, ví dụ như trà bồ công anh. Đây là loại trà làm từ rễ của cây bồ công anh. Chúng có đặc điểm tương đồng với cà phê về hương vị, do đó thường được coi là một chất thay thế cà phê. Rễ cây bồ công anh có tính giải độc nên ngoài ẩm thực, người ta còn sử dụng cho mục đích y học.

Trà chẽ ba hoa đỏ kết hợp với hoa cúc Chamomilla, cỏ ba lá đỏ và hoa cúc La Mã

123rf.com

Một số nước ở châu Âu có loại trà hoa cà phê khá hấp dẫn, cách chế biến đơn giản, chỉ cần phơi sấy từng cánh hoa nguyên vẹn là có trà để dùng. Người ta có thể trộn loại trà này chung với hoa nhài, một ít ô mai và lá sen để tạo nên một biến tấu lạ, hương vị thơm ngon.

Trà chẽ ba hoa đỏ cũng rất đáng chú ý. Đây là loại trà làm từ cây chẽ ba hoa đỏ (Trifolium pratense) thuộc họ đậu. Người ta thường thu hoạch hoa màu hồng của cây này để chế biến nhiều loại trà, với những thành phần tổng hợp khác nhau.

Ở vùng Balkan và các khu vực khác của Địa Trung Hải có vài loại trà núi rất ngon, làm từ nhiều loại cây mọc ở vùng khí hậu ấm áp trên cao, trong đó có loài Sideitis syriaca tương tự như hoa cúc, được dùng làm trà phụ tử nổi tiếng khắp châu Âu.

Mursalski chai là một loại thảo dược có nguồn gốc từ tỉnh Smolyan, Bulgaria. Người ta chế biến chúng thành trà rất đơn giản bằng cách ngâm cây khô trong nước sôi, dùng chung với mật ong.

Nhiều người tin rằng loại trà thảo mộc này có lợi cho sức khỏe, giải quyết được những vấn đề về hô hấp, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có tác dụng chống viêm, hoạt động như một chất chống oxy hóa.

Trà hoa táo gai được dùng làm thuốc lợi tiểu và thuốc bổ

alamy.com

Trà cỏ xạ hương

123rf.com

Trà long đởm cũng có đẳng cấp trong thế giới trà thảo mộc ở châu Âu. Người ta chế biến trà này từ rễ cây long đởm vàng (Gentiana lutea), một loài cây phân bố tự nhiên ở những vùng núi Trung và Nam Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài trà, người ta còn sử dụng cây này để sản xuất thuốc nhuộm gentian, hoặc sử dụng một số loài cùng chi long đởm để sản xuất apéritifs (rượu khai vị), rượu mùi và thuốc bổ.

Ở những vùng ôn đới Bắc bán cầu của châu Âu có loại trà hoa táo gai đặc biệt. Cái tên "táo gai" ban đầu được áp dụng cho các loài có nguồn gốc từ Bắc Âu, đặc biệt là loài táo gai thông thường Crataegus monogyna. Người ta sử dụng hoa của loài táo gai này để làm trà, xem như là một loại thuốc lợi tiểu và thuốc bổ.

Trong y học cổ truyền của nước Áo, lá tía tô đất (Melissa officinalis) được chế biến thành trà thảo mộc và làm hương liệu cho kem. Người ta thường kết hợp chúng với các loại thảo mộc khác như bạc hà. Tuy nhiên bạc hà cũng là nguyên liệu chính để làm trà, ví dụ như bạc hà đắng (Marrubium vulgare), người ta thường dùng loài cây để làm trà, bia và cocktail đá.

Cỏ xạ hương (Thymus vulgaris) cũng có thể dùng để làm trà, sử dụng trong ẩm thực hoặc làm thuốc. Đây là loài thảo mộc có mùi thơm trong họ bạc hà (Lamiaceae).

Trà cúc dại Alföldi và trà lá ô liu

nagykanizsa.hu, amazon.com

Trên những vùng đất mặn ở Hungary có loài cây gọi là Alföldi kamillavirágzat. Đây là loài hoa cúc dại Alföldi mỏng manh. Người ta hái hoa của loài cúc này bằng tay, phơi khô rồi chế biến thành trà, một loại trà có mùi nồng, ngọt và hơi đắng. Nhìn chung, có thể dùng tinh dầu của hoa cúc dại để điều trị chứng đau ở đường tiêu hóa hoặc điều trị nướu răng và lở miệng.

Ở châu Âu còn nhiều loại trà thảo mộc độc đáo khác, chẳng hạn như trà lá dứa thơm, trà hoắc hương, trà bạc hà hăng (Pennyroyal) hay trà cỏ ba lá đỏ, lá mâm xôi đỏ. Riêng trà Staghorn sumac thì làm từ cây sơn chi, người ta có thể hái trái của cây này để làm thành nước có vị chua như chanh, pha đường uống rất ngon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.