Ai cũng biết, được học hành là hạnh phúc và cha mẹ có điều kiện cho con cái học hành càng thêm hạnh phúc. Nhưng với quan điểm trang bị đầy đủ kiến thức cho con cái không thua bạn thua bè và bất biết chúng có tiêu hoá nổi đống kiến thức được nhồi vào hay không lại là chuyện đáng bàn. Một đứa trẻ sau giờ chính khoá, ăn vội gói xôi, ổ bánh mỳ... rồi tất tả theo xe cha mẹ tới lớp toán, lớp văn. Rồi sau đó là lớp nhạc, lớp vẽ, Anh văn... Liệu người lớn có học được vậy không? Thử đi cho biết.
Những đứa trẻ chỉ biết học và học, ngoài học ra không biết mảy may chuyện gì, có chăng thoáng rảnh là ôm chầm lấy điện thoại, ipad. Chúng như những con robot được cha mẹ lập trình với một phần mềm nhạt nhẽo.
Học thêm để nâng cao và ổn định kiến thức. Học nhạc, học vẽ để cảm nhận nghệ thuật và nâng cao thẩm mỹ, ngoại ngữ để bước vào toàn cầu hoá... chả có gì sai.
Tranh thủ ăn cơm hộp sau giờ tan trường, chờ học thêm - Ảnh: Minh Luân
|
Sai mỗi cái, trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, phụ huynh viết lên nhiều thứ quá nên… hết giấy.
Vậy nên, những đứa trẻ to đùng đầy khờ khạo ngồi trên xe để mẹ dắt qua chỗ ngập nước với vẻ mặt dĩ nhiên là thế. Cha mẹ thì xoen xoét, dạy dỗ đủ cả mà nó chẳng vào đầu tí nào. Còn chỗ đâu mà vào.
Còn nhớ thời trước đi học, có thêm nếm gì mà giờ này vẫn là ông nọ, bà kia. Xem kết quả thi hàng năm hầu như dân quê không học thêm thì đỗ thủ khoa. Những đứa trẻ quê đó, sau buổi học là chăn trâu, cắt cỏ, đánh đáo, chơi khăng... chắc toàn thần đồng bẩm sinh. Được học thêm như dân phố chắc đỗ Harvard không chừng. Nói thì nói vậy, chứ cũng đám trẻ quê đó mà nhồi từ 7h sáng tới 22h đêm thì cũng ngẫn ngờ như đám phố thị.
Phú quý sinh lễ nghĩa. Ờ thì ngoại ngữ là cần thiết trong thời buổi hiện tại, nhưng nhạc, hoạ thì phải có năng khiếu và đam mê chứ không thể nhồi như nhồi vịt được. Rồi còn học võ để khoẻ mạnh và tự tin... Ông cha bà mẹ thử đổi chỗ cho con một ngày xem có phát điên lên không.
Cha mẹ nào chả muốn con mình sau này thành nhân, thành danh, khổ cái cháu nhà có hoa tay thợ may mà cứ bắt thành bác sĩ, vậy nó mới cắt nhầm chân cẳng người ta.
Tuổi thơ việc học hàng đầu, không bàn cãi. Nhưng phải có giờ chơi, chơi thuần túy như vậy mới phát triển một cách tự nhiên mang tính toàn diện.
Nghe một bà mẹ thủ thỉ trên báo, tuần cháu nó được ăn 2 bữa cơm nhà quây quần đầy đủ vì học kín các buổi, mà đau lòng. Đứa bé đó sau không kiếm được cái giải Fields gì đó thì đúng là nỗi thất vọng của gia tộc.
Tất cả những kỳ vọng của cha mẹ lên con cái, trước tiên đang thoả mãn cho cha mẹ. Đó là những ước mơ của họ, với những tấm bằng bác sỹ, kỹ sư đỏ hoét trong tương lai. Ước mơ đó cha mẹ nào cũng có và nuôi dưỡng, nhưng nhiều người không để ý rằng mình đang trồng cái gì? Một đứa trẻ có thiên hướng nghệ thuật cứ ép học kinh tế để tương lai thừa kế công ty gia đình. Kết quả tương đối rõ.
Những đứa trẻ mắt thòm thèm nhìn qua cửa sổ đám bạn đồng lứa đang chơi bi lại đang phải tập đàn. Nghệ thuật lăn như bi.
Hầu như người lớn đang áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ nhỏ mà không cần biết chúng nghĩ gì, cần gì và nên được hưởng những gì. Học là con đường hướng tới tương lai nhưng không phải duy nhất. Đặc biệt là học loạn. Hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ nhỏ.
Bình luận (0)