Cuối năm mùa Covid-19 thứ 2, người dân xa quê lần lượt ra các bến xe, nhà ga, hãng vé máy bay đồng loạt hủy vé, trả vé đã lỡ mua trước đây, với dự định về quê ăn tết.
Tuy nhiên, khi hủy vé, trả vé, một số người được hoàn vé, một số người thì không được. Vậy trong trường hợp vì sự cố dịch mà người dân ở lại địa phương, không về quê, liệu được hỗ trợ hủy vé, trả vé hay không.
Dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), dịch Covid-19 đáp ứng đầy đủ điều kiện được coi là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, đối với các hợp đồng được giao kết trước khi xảy ra Covid-19. Và khi Covid-19 bùng phát trở lại là tình huống xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Về hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay, đã được quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015, cụ thể: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Hoàn vé toàn bộ hay một phần, là chính sách, thỏa thuận giữa các bên
Đối với trường hợp người dân trả vé, theo luật sư Tuấn, thực tế trên thị trường, các hãng vận tải khi bán vé, có nhiều loại vé khác nhau, nhưng do tình hình dịch bệnh, các tỉnh thành mà Nhà nước có quy định cách ly, nên người dân không thể thực hiện được kế hoạch về quê ăn tết.
Một số doanh nghiệp thỏa thuận hoàn trả lại tiền vé, đổi vé theo lịch trình, đổi voucher, cấn trừ các chi phí phát sinh thực tế theo tỷ lệ để trả tiền lại cho khách hàng… Trong trường hợp này, như đã phân tích ở trên, đây là trường hợp bất khả kháng, thì các bên không chịu trách nhiệm về dân sự.
Cụ thể hơn, luật sư Tuấn nêu, các trường hợp bị phong tỏa chuyến bay, có “lệnh” cấm di chuyển ra vào, giữa doanh nghiệp vận tải và người dân không thể thực hiện hợp đồng thì hợp đồng mua bán vé giữa các bên phải hoàn trả lại cho nhau hoặc sẽ có chính sách khác nếu các bên thỏa thuận được với nhau.
Riêng đối với một số tỉnh thành không bị phong tỏa, không bị hạn chế đi lại, nhưng nếu người dân vì chống dịch mà “quyết tâm” ở lại nơi làm việc, không về quê ăn tết, theo lời kêu gọi của Nhà nước, luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc hoàn vé toàn bộ hay một phần, vẫn là chính sách, thỏa thuận giữa các bên.
Hàng không hoàn vé, đổi vé, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hỏa tốc yêu cầu thực hiện đổi vé, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách), kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày, giờ bay; không đổi hành trình, không hoàn vé) đối với hành khách đã mua vé nhưng không thực hiện được chuyến bay do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương triển khai cụ thể về quy trình, thủ tục đổi vé, hoàn vé nêu trên và kịp thời thông tin rộng rãi cho hành khách qua hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, văn phòng, đại lý bán vé của hãng.
Bến xe Miền Đông cũng yêu cầu doanh nghiệp vận tải hỗ trợ cho người dân thuận tiện đổi, trả vé trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, các tuyến có cự ly trên 300 km, đổi, trả vé trước bốn tiếng sẽ được hoàn 90%, trước hai tiếng hoàn 70%, còn cự ly dưới 300 km trước hai tiếng hoàn 90% và trước một tiếng hoàn 70% giá vé.
Ngành đường sắt cũng đưa ra 2 phương án đổi, trả vé cho khách bỏ vé về quê ăn tết: bảo lưu vé trong một năm hoặc trả vé ngay nhưng mất 30% phí và được hoàn tiền sau 3 tháng.
|
Bình luận (0)