Hiệp hội bị làm khó ?
Sau 3 năm vận động, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN (hiệp hội) chính thức được cấp phép thành lập vào giữa năm 2017 với kỳ vọng đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia, thúc đẩy du lịch ẩm thực, biến VN trở thành bếp ăn của thế giới. Tuy nhiên đã 7 tháng kể từ khi ra mắt đại hội vào tháng 10.2017 đến nay, hiệp hội vẫn hoàn toàn “án binh bất động”.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hiệp hội, cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ là do Bộ Nội vụ vẫn chưa quyết định công nhận, phê duyệt điều lệ của hiệp hội, khiến hiệp hội rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chưa danh chính ngôn thuận, chưa có đầy đủ quyền hành, con dấu để hoạt động.
Cụ thể, ngày 24.10.2017, hiệp hội đã gửi Bộ Nội vụ hồ sơ báo cáo kết quả đại hội và đề nghị phê duyệt điều lệ hiệp hội theo đúng quy định. Hơn 1 tháng sau, ngày 29.11, hiệp hội được Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) thông báo cần chỉnh sửa 2 nội dung trong dự thảo điều lệ. Hiệp hội tiếp thu, chỉnh sửa, gửi lại cơ quan này ngày 1.12.2017. Đến ngày 2.1.2018, Bộ Nội vụ lại có công văn yêu cầu hiệp hội bổ sung lý lịch của người đứng đầu và chỉnh sửa một số nội dung. Ngày 18.1, văn bản bổ sung đã được gửi và từ đó đến nay, hiệp hội đã gửi trực tiếp thêm 4 văn bản đến cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ đề nghị sắp xếp thời gian để hai bên làm việc trực tiếp, nhanh chóng hoàn thành thủ tục để hiệp hội được chính thức hoạt động nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
|
Đại hội được tổ chức dựa trên cơ sở đã được thông qua nhưng sau đại hội, Bộ tiếp tục yêu cầu chỉnh sửa, chúng tôi cũng chấp hành, hồ sơ nộp đúng theo tất cả yêu cầu nhưng Bộ Nội vụ vẫn không ra quyết định công nhận?”, ông Kỳ nói và cho biết việc chậm trễ khiến toàn bộ kế hoạch 1 năm sau đại hội và 5 năm tiếp theo của hiệp hội coi như “phá sản”.
Tâm lý của các nghệ nhân, doanh nghiệp thành viên, những người đang hừng hực muốn phát triển mạnh mẽ ẩm thực Việt đều bị khựng lại. Quan trọng nhất là đánh mất lợi thế triển khai các thế mạnh, các hoạt động nhằm xây dựng, phát huy tiềm lực ẩm thực VN, gắn liền với du lịch, kinh tế trong thời điểm “vàng” hiện nay.
“Tách” văn hóa khỏi ẩm thực
Không chỉ chậm trễ đưa quyết định, điều khoản Bộ Nội vụ yêu cầu hiệp hội phải chỉnh sửa trong dự thảo điều lệ cũng được nhiều chuyên gia cho rằng hết sức vô lý. Đơn cử, hiệp hội đặt ra mục đích “... tập hợp, đoàn kết tổ chức, công dân VN đang hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực ẩm thực và văn hóa ẩm thực VN...” nhưng Bộ Nội vụ yêu cầu bỏ lĩnh vực ẩm thực, chỉ được hoạt động trong phạm vi văn hóa ẩm thực.
tin liên quan
Du lịch ẩm thực Việt bị bỏ quênMột chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nhận định, không thể tách rời ẩm thực và văn hóa. Ẩm thực nếu chỉ đơn thuần là thương mại, chế biến mà không có văn hóa thì vô hồn. Ẩm thực chính là yếu tố hình thành văn hóa và cũng chính ẩm thực là tấm gương phản chiếu chân thực văn hóa của mỗi quốc gia.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, thẳng thắn: Tách ẩm thực ra khỏi văn hóa thể hiện việc chưa hiểu ẩm thực là một di sản văn hóa của dân tộc. Ẩm thực VN hiện nay chủ yếu là tự phát, nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều biểu hiện nguy hại (vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm) và đang trên nguy cơ bị ẩm thực ngoại đè bẹp. Cũng vì tự phát nên các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khai thác dễ thất bại.
“Ẩm thực là một di sản văn hóa, một nguồn tài nguyên khai thác du lịch rất quan trọng nhưng chưa có tổ chức nhà nước, địa phương nào đầu tư bài bản. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực quốc gia sẽ có đủ tầm để giải quyết các vấn đề này, hình thành một ngành công nghiệp ẩm thực VN để hội nhập thế giới”, ông Xuân khẳng định.
Bình luận (0)