Trách nhiệm cá nhân

09/04/2020 04:25 GMT+7

Trong khi Bộ Y tế đang cân nhắc đề xuất kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội đến hết tháng 4; tại phiên họp hôm qua 8.4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã xâm nhập vào cộng đồng thì chỗ này, chỗ kia bắt đầu có biểu hiện của sự thiếu cảnh giác, thiếu ý thức chấp hành các quy định cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ.

Mấy ngày nay, một số tuyến đường ở TP.HCM, Hà Nội có lúc vẫn đông người lưu thông. Ở thủ đô, nhiều người vẫn trèo rào, vượt tường vào công viên tập thể dục. 2 ngày trước, hình ảnh những người không đeo khẩu trang, tụ tập câu cá bên bờ kênh Nhiều Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) gây bức xúc trong cộng đồng. Một quán karaoke tại Biên Hòa (Đồng Nai) thậm chí ngang nhiên đón khách vào hát, chơi ma túy. Chưa kể hàng quán nghỉ bán, không ít người lại kéo nhau tụ tập tại gia nhậu nhẹt tơi bời...; bất chấp hậu quả xảy ra có thể phủi đi những nỗ lực của cả nước suốt mấy tháng qua.
Đó không phải những lời dọa dẫm. Chúng ta đã chứng kiến sai lầm của cá nhân gây ảnh hưởng đến cộng đồng thông qua các bệnh nhân “siêu lây nhiễm” ở Việt Nam. Không khai đúng sự thật, bệnh nhân số 34 đã lây lan sang 9 người, kéo theo hàng loạt F1, F2, F3; không ý thức cách ly khi dịch bệnh bắt đầu leo thang, bệnh nhân 91 đã biến quán bar Buddha (Q.2, TP.HCM) thành ổ dịch, khiến chính quyền tốn rất nhiều công sức để kiểm soát, ngăn chặn lây lan... Ở thời điểm này, có lẽ bất cứ ai cũng đã nhận thấy rất rõ sự nguy hiểm của dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Chỉ vì chủ quan mà Mỹ, châu Âu đã trở thành ổ dịch với hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người dương tính với Covid-19, dẫn tới khủng hoảng nặng nề cả về y tế và kinh tế. Ngược lại Việt Nam đã khống chế tốt sự lây lan dịch Covid-19 cũng nhờ ngay từ ban đầu chúng ta đã không chủ quan; ngay từ ban đầu chúng ta đã đồng lòng, đoàn kết thực hiện lời kêu gọi phòng, chống dịch của Chính phủ. Chúng ta đều biết, để phục vụ công tác chống dịch, hàng ngàn, hàng vạn hộ kinh doanh nhỏ đã đóng cửa kéo theo hàng triệu người mất, giảm thu nhập. Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, từ người bán vé số đến người lái xe buýt, taxi, xe đò, máy bay... đều giảm tối đa hoặc ngưng hoạt động, chấp nhận thiệt hại hàng ngàn, hàng vạn tỉ đồng. Thế nhưng chưa bao giờ ý thức, trách nhiệm cộng đồng tại Việt Nam lại cao như hiện nay. Hầu hết người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương theo sự vận động của chính quyền. Các nhà hàng, quán cà phê đều đã hoặc đóng cửa, hoặc treo biển chỉ bán mang về. Nơi công cộng, người dân đều ý thức đeo khẩu trang. Các cơ quan, công sở, siêu thị... thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, tổ chức phun thuốc khử trùng. Hội nghị, họp hành, làm việc... từ trung ương đến địa phương đều trực tuyến. Tất cả đều dồn sức cho việc chống dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
Thế thì nhịn một vài buổi nhậu; ngưng một vài thú vui; hoãn một vài thói quen sinh hoạt ngày thường... có ý nghĩa gì với lợi ích, sức khỏe của cả cộng đồng, trong đó có cả người thân, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và của chính mỗi chúng ta?
Đó không chỉ là ý thức cá nhân, đó là trách nhiệm của mỗi người khi Tổ quốc cần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.