Vụ việc bị lộ khi cơ quan chức năng phát hiện một xe đầu kéo chở 83 tấn đá thạch anh chạy trên QL1A đi tiêu thụ nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định số đá này có nguồn gốc từ xã Châu Hoàn (H.Quỳ Châu, Nghệ An). Kiểm tra tại xã Châu Hoàn, cơ quan chức năng phát hiện có hơn 400 tấn đá thạch anh khác bị khai thác trái phép đang được tập kết tại đây.
Giải trình về trách nhiệm quản lý tài nguyên của địa phương, trong báo cáo gửi cấp trên, UBND xã Châu Hoàn cho biết một người dân trong xã thuê máy múc đến đào ao cá, cải tạo ruộng và mở đường vào khu rừng keo. Khi đào, phát hiện có đá thạch anh nên chủ máy và một người khác ngụ ở H.Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đến thu gom, tập kết thành điểm và không lấy tiền công cải tạo ruộng, mở đường.
Phát hiện sự việc, ngày 1.2, UBND xã Châu Hoàn đã lập biên bản và giao ban cán sự của bản tạm thời trông coi, quản lý, đồng thời "nhắc nhở" chủ đất không được tiếp tục thu gom đá. 20 ngày sau, lực lượng chức năng xã quay lại kiểm tra, phát hiện những người này vẫn thu gom đá thạch anh nên đã lập biên bản, yêu cầu chấm dứt việc này. Thế nhưng, 2 ngày sau đó, 83 tấn đá thạch anh được vận chuyển ra khỏi địa bàn và bị công an phát hiện cách đó khoảng 90 km, chưa kể hơn 400 tấn đá khác đã được thu gom công khai tại xã Châu Hoàn.
Dù lãnh đạo xã Châu Hoàn giải thích rằng cán bộ xã không bao che cho sai phạm, nhưng thật khó hiểu khi chính quyền địa phương đã 2 lần đến lập biên bản nhưng khối lượng lớn đá thạch anh vẫn được tập kết và dễ dàng lọt qua "lỗ kim" để chở đi tiêu thụ.
Thạch anh còn được gọi là thủy ngọc, có nhiều biến thể khác nhau và là loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Do có giá trị nên thạch anh luôn nằm trong "tầm ngắm" của những người khai thác trộm. Chính quyền sở tại có trách nhiệm giám sát, quản lý tài nguyên, để khoáng sản "chảy máu" thì phải xem xét trách nhiệm.
Bình luận (0)