Trách nhiệm cứu người

10/07/2019 04:41 GMT+7

Đọc bài viết Trạm cấp cứu vệ tinh từ chối đi cứu người đăng trên Báo Thanh Niên ngày 9.7, nhiều người không tránh khỏi cảm giác buồn, lẫn bức xúc.

Đó là vì một bộ phận hành nghề y chưa làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí là vô cảm!
Điển hình của sự vô cảm ở đây là trường hợp Trung tâm cấp cứu 115 (là tổng hành dinh cấp cứu của TP.HCM) gọi trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại Bệnh viện (BV) Q.Tân Phú - nơi ở gần bệnh nhân đột quỵ nhất, thế mà nhận được câu trả lời lạnh lùng, vô cảm - xe cấp cứu... bận. Nhiều người đặt câu hỏi BV Q.Tân Phú chỉ cách bệnh nhân cần cấp cứu vài trăm mét, khẩn cấp như thế có thể điều y, bác sĩ chạy xe máy (tầm vài phút) tới sơ cấp cứu ban đầu, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch, rồi hỗ trợ người nhà đón xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu chắc chắn sẽ nhanh hơn.
Đó là “tổng hành dinh cấp cứu” của thành phố gọi mà như thế, nếu người dân gọi thì trạm cấp cứu vệ tinh ứng xử ra sao!? Để rồi Trung tâm cấp cứu 115 gọi tiếp trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại BV Q.Tân Bình và nơi đây cũng báo... bận; trung tâm phải đánh xe đi, mất một khoảng thời gian quý giá trong cấp cứu. Nhiều ca bệnh được cứu sống, hay bệnh tình trở nên nguy kịch chính nhờ vào tinh thần trách nhiệm, y đức của bác sĩ trong tình huống như thế này.
Qua bài viết cũng thấy được thực trạng các trạm cấp cứu vệ tinh 115 thiếu phương tiện, con người. Tuy nhiên, nếu vì người bệnh, nếu làm hết trách nhiệm của mình thì lãnh đạo các BV quận/huyện phải khẩn trương báo cáo, đề xuất cấp trên để trang bị trước những phương tiện cần nhất cho cấp cứu; hoặc tạm thời linh động, vận dụng một số biện pháp cứu người kịp thời (như tình huống bệnh nhân gần kề BV nói trên...).
Chưa dừng lại ở đó, mà còn là trách nhiệm của ngành y tế là: không chỉ lập ra các trạm cấp cứu vệ tinh 115 cho đủ về số lượng, mà cần biết rõ, các trạm cấp cứu vệ tinh 115 có đảm bảo phương tiện, con người cho cấp cứu hay không, nhằm có hướng đầu tư hay phối hợp điều phối cấp cứu để cứu người nhanh nhất. Trong khi có những cá nhân tự bỏ tiền mua xe cứu thương chở người bệnh miễn phí, thì ngành y tế cần phải làm tốt hơn trách nhiệm cứu người của mình.
Trong 12 điều y đức của ngành y tế, ngay điều 1 có nêu: “Phải có lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm cao...”; và ở điều 5 có nói “Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đun đẩy người bệnh".
Xã hội rất cảm thông với ngành y - công việc luôn tất bật, áp lực rất nặng nề, nhất là với các BV tuyến trên ở TP.HCM luôn quá tải. Người bệnh sẽ an tâm, ấm áp hơn, quan trọng là tính mạng người bệnh được đảm bảo hơn nếu những người hành nghề y nỗ lực, tận tình với công việc cứu người của mình. Rất mong các thầy thuốc vừa giỏi về y thuật, vừa sáng về y đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.