Thậm chí, ông này còn thú nhận, Hà Nội chưa dám phê duyệt đường Hoàng Cầu - Giảng Võ vì lo sợ nhà siêu mỏng, siêu méo tái phát.
Nhiều đại biểu HĐND phát biểu sau đó dù tỏ ra không hài lòng, nhưng thật sự cũng chả có biện pháp gì hơn, ngoài những yêu cầu mang tính khẩu hiệu nhiều hơn là mệnh lệnh, kiểu như: “Không thể để tiếp tục tình trạng này”, rằng “phải giải quyết dứt điểm vào cuối năm nay”... Nhưng ai làm và làm như thế nào là câu hỏi đầy chua chát của cử tri, những người đang hằng ngày đóng thuế để nuôi bộ máy chính quyền.
Ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói không sai, nhưng chưa đủ. Lỗi đầu tiên là của quy hoạch, vẽ chỉ giới trong phòng máy lạnh. Lỗi tiếp theo là của chủ đầu tư, lên phương án thu hồi mà chả thèm xem thực địa. Lỗi trực tiếp là của lực lượng trật tự đô thị, biết người dân sai mà vẫn ngó lơ. Nhưng lỗi lớn nhất là của chính quyền TP, nơi không duy trì được một khung pháp lý hiệu quả, chế tài đủ mạnh để giải quyết tình hình.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, không biết bao nhiêu lần lãnh đạo TP chỉ đạo phải “xử lý dứt điểm” nhà siêu méo, siêu méo - nỗi xấu hổ của quản lý đô thị. Các đợt “ra quân” xử lý nhà siêu méo, siêu mỏng theo đó cũng rầm rộ hết lần này đến lần khác. Nhưng cũng sau mỗi lần như vậy, nhà siêu mỏng, siêu méo lại xuất hiện ngang nhiên hơn, thách thức hơn, ở những tuyến phố trung tâm hơn, như những cái tát mạnh, vả vào quyết tâm của chính quyền.
Hài hước nhất có lẽ là chuyện tháng 3.2014, hạn cuối cùng TP yêu cầu giải quyết tình trạng nhà siêu méo, cũng là lúc dư luận phát hiện con đường mới mở Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Q.Đống Đa) dài 500 m, với kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng, xuất hiện 58 nhà siêu mỏng, siêu méo; có “ngôi nhà” kỳ dị bậc nhất với chỉ
2 m2 diện tích, 4 mặt tiền, hoàn thiện 2 tầng tựa như... chùa Một cột nằm chính giữa ngã tư to nhất TP.
Ai cũng hiểu, tại sao có nhà siêu méo, siêu mỏng: đấy là do người dân tự xây. Và ai cũng hiểu, tại sao nó lại tồn tại? Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại khắp thành phố là do được sự “cho phép” ngấm ngầm của các cán bộ thanh tra xây dựng của các quận, phường. Lãnh đạo phường, quận, TP không thể không biết điều đó. Bởi vì ở đô thị, đổ một đống cát ra đường đã có ít nhất 3 lực lượng hỏi thăm, thế mà những công trình chướng tai gai mắt, phải xây dựng trong thời gian dài lại không ai để ý, ngăn chặn là vô lý. Nhưng tại sao Hà Nội chỉ tuyên bố mà không thực sự ra tay thì có... trời mới hiểu.
192 nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là con số tuyệt đối lớn ở một thủ đô với hàng nghìn con đường, tuyến phố, hàng triệu ngôi nhà. Nhưng nó thể hiện sự bất lực của cả bộ máy chính quyền đô thị.
Trước khi “trảm” những căn nhà kỳ dị, phải “trảm” những cán bộ có trách nhiệm siêu mỏng.
An Nguyên
>> Mặt phố đắt nhất hành tinh 1,3 tỉ đồng/m lem nhem vì nhà siêu mỏng
>> Nhà siêu mỏng, siêu méo được cấp sổ đỏ nếu hợp khối
>> Giải pháp về nhà siêu mỏng
>> Hà Nội gian nan xóa nhà siêu mỏng
>> Nhức nhối nhà siêu mỏng, “hố tử thần”
>> Hà Nội: Tìm biện pháp ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo
Bình luận (0)