Đại tá Trần Minh Đạt - Phó tổng giám đốc MB (thứ tư từ phải qua) đại diện MB trao tặng Bộ Y tế 1 triệu khẩu trang y tế 3M 1870+ N95 |
Ảnh: hữu đạt |
Với MB, trách nhiệm xã hội lúc này quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ mang ý nghĩa đóng góp tài chính, việc tiên phong thực hiện trách nhiệm với cộng đồng tại MB lâu nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của ngân hàng, bên cạnh đó còn tạo nên một kết nối rất đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trung tuần tháng 9 vừa qua, MB đã chung tay cùng với ngành ngân hàng, ủng hộ 25 tỉ đồng tương đương 25.000 máy tính nhằm hỗ trợ việc học trực tuyến của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. MB hiểu rằng sự chung tay kịp thời cùng Chính phủ và các nguồn lực khác trong xã hội tại thời điểm này sẽ góp phần lấp đầy những khoảng cách, giúp học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước có đủ điều kiện học trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số và đảm bảo mục tiêu của Chính phủ, không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.
Trước đó, nhiều người dân TP.HCM đã xúc động khi nhận túi quà tặng từ Bộ Quốc phòng trao trong những ngày qua. Bà N.T.N (62 tuổi, trú tại đường Nguyễn Thiện Thuật, P.3, Q.3, TP.HCM) cho biết từ nhiều tháng nay gia đình đã không thể buôn bán gì khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Nhà có 5 người, trong đó có 2 người con đang là sinh viên nên việc lo đồ ăn, gạo, mắm, muối hằng ngày cũng vất vả. May mà có sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ các công ty trong giai đoạn này nên phần nào thấy bớt gánh nặng cuộc sống hơn. Gia đình bà N.T.N là một trong những hộ nhận túi quà mà Bộ Quốc phòng trao tặng cho người dân TP.HCM gặp khó khăn do Covid-19 gây ra. Chương trình trao tặng 4.000 tấn gạo trị giá 50 tỉ đồng được MB đóng góp theo lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng tặng quà hỗ trợ nhân dân TP.HCM. Số gạo này đã và đang được các chiến sĩ bộ đội gửi đến tận tay 730.000 hộ gia đình.
Một hành động đầy thiết thực khác, MB bàn giao hỗ trợ ngành y tế 1 triệu khẩu trang y tế 3M 1870+ N95 trị giá 40 tỉ đồng vào đầu tháng 9 trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế trước sự cấp bách về nhu cầu trang bị các vật tư y tế, đặc biệt là khẩu trang đạt chuẩn cho các bác sĩ tuyến đầu. Hành động này thể hiện sự trân trọng, biết ơn của 15.000 cán bộ công nhân viên MB đến đội ngũ bác sĩ, y tá và nhân viên y tế trên tuyến đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch. GS-TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự trân trọng và gửi lời cảm ơn đến MB đã luôn đồng hành, ủng hộ tinh thần và vật chất kịp thời đến các cán bộ y tế. Sự chung tay từ MB là nguồn động viên to lớn đối với những người trực tiếp chống dịch, chữa trị để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân. Món quà ý nghĩa này sẽ được Bộ Y tế điều phối tặng đội ngũ y bác sĩ đang trực tiếp điều trị các ca nhiễm Covid-19.
MB đóng góp 4.000 tấn gạo theo lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng tặng quà hỗ trợ nhân dân TP.HCM |
Ảnh: Hữu Đạt |
Với tôn chỉ ngân hàng vì cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước, MB Group gồm MB và các công ty thành viên trong hệ sinh thái của mình đã ủng hộ, đóng góp, trao tặng cho 18 tỉnh thành, 7 tổ chức trong công tác phòng chống dịch Covid-19 lên tới hơn 250 tỉ đồng kể từ khi dịch bùng phát đến nay trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, thường xuyên ủng hộ, tài trợ các khoản kinh phí lớn để thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên khắp cả nước.
Chuyển đổi số để phục vụ khách hàng trong bối cảnh dịch
Là một đơn vị kinh doanh nên ngoài việc hỗ trợ cộng đồng xã hội phòng, chống dịch Covid-19, MB đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, duy trì phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ khách hàng các phương thức giao dịch an toàn trong môi trường mới. Hệ thống ngân hàng giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, chính vì vậy mà các nhà băng cũng gặp không ít khó khăn trong duy trì “mạch máu” ổn định trong giai đoạn dịch cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng để có thể phục hồi kinh tế sau dịch.
Thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, khách hàng hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc, thế nhưng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong thanh toán mua thực phẩm thiết yếu, tín dụng, thanh toán hóa đơn, thẻ tín dụng… tăng cao. Các ngân hàng đều gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng đối với khách hàng ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội như tiếp xúc, thẩm định khách hàng cũng như ký kết các văn kiện tín dụng, văn kiện tài sản đảm bảo… Để hỗ trợ cho khách hàng và duy trì dòng tín dụng trong bối cảnh giãn cách, MB đã thực hiện thỏa thuận với khách hàng, thực hiện chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, MB cũng nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là App MBBank (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (đối với khách hàng doanh nghiệp) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ ngân hàng trên hai nền tảng online này.
Chuyển đổi số không những đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh bình thường mới mà đây còn là chiến lược kinh doanh được MB đặt ra từ những năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, MB đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm sáng tạo, mang tính cạnh tranh cao, khuyến khích khách hàng thích nghi với trải nghiệm số trong bối cảnh dịch bệnh như dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã VietQR, cá nhân hóa tài khoản thông qua chương trình tài khoản số đẹp, tài khoản trùng với số điện thoại… cùng với việc triển khai thần tốc trên toàn hệ thống, điều này đã mang đến cho MB có thêm 2,5 triệu khách hàng mới phục vụ. Số lượng giao dịch trên kênh số tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt 1,7 triệu tỉ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Khát vọng dẫn đầu về chuyển đổi số của MB còn thể hiện trong việc ban lãnh đạo MB cam kết đầu tư trong 3 năm qua và ít nhất 5 năm tới là sẽ dành ra khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho hạ tầng công nghệ.
Ngoài triển khai các kênh hoạt động đảm bảo an toàn cho khách, MB thực hiện cắt giảm 1.000 tỉ đồng tiền lãi từ nay đến cuối năm để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch gây ra. Đến đầu tháng 9, MB đã giảm 560 tỉ đồng cho 104.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 98.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng số khách hàng và tổng dư nợ được giảm chiếm khoảng 1/3 danh mục của MB, các khách hàng còn lại đã sử dụng các gói ưu đãi với lãi suất thấp của MB. Đối với lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, MB giảm từ 0,5% - 1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Bình luận (0)