Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ ngày 7.3, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị dừng hoạt động xuất nhập khẩu do phía Trung Quốc đang thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thành phố Bằng Tường và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu vì phát hiện có lái xe chuyên trách Trung Quốc dương tính SARS CoV-2.
Mỗi khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu là hàng hóa Việt Nam xuất qua đường tiểu ngạch lại ùn ứ |
Lã Nghĩa Hiếu |
Nông dân thấm đòn phụ thuộc
Những ngày đầu tháng 3, một không khí ảm đạm bao trùm ở những khu vực trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận, nơi có sản lượng thanh long nghịch mùa lớn nhất cả nước. Giá thanh long gần như cho không, những vườn thanh long vừa mới chín không có người mua, những vườn để lâu ngày một chút thì chỉ trả tiền cho thương lái vào dọn cho sạch chứ không cân ký nữa. Vườn nào nhiều trái thì trả mão khoảng 2 - 3 triệu đồng. Trắng tay vì thanh long, nhiều chủ vườn đã phải rao bán đất. Anh Nguyễn Minh, chủ vườn thanh long tại xã Tân Hải, TX.La Gi (Bình Thuận), ngán ngẩm: “Thanh long năm nay trắng tay, thua lỗ nên tôi bán tất cả để trả nợ, không làm thanh long nữa”. Hầu như khu vực nào trồng thanh long cũng đều có người rao vườn, rao bán đất.
Cùng chung hoàn cảnh với thanh long là dưa hấu. Giá dưa hấu tại vườn xuống dưới 2.000 đồng/kg vẫn ít người mua vì sản lượng quá lớn, thị trường nội địa không tiêu thụ kịp. Nhiều chủ vườn dưa hấu than thở, chưa có lúc nào giá dưa hấu lại bèo bọt như lúc này. Giá mít khu vực miền Tây thì không ngừng nhảy múa, lúc lên lúc xuống có khi vài ngàn đồng/kg chỉ trong một ngày. Tất cả chung quy là sự phụ thuộc quá lớn vào con đường mậu biên sang Trung Quốc. Và hôm 7.3, cửa khẩu Trung Quốc lại đóng cửa vì có một trường hợp nhiễm Covid-19. Điệp khúc này liên tục lặp đi lặp lại suốt thời gian qua.
Thua lỗ, nợ nần, nông dân Long An cắn răng chặt bỏ vườn Thanh Long |
Ai cũng nhận ra những hạn chế của nền nông nghiệp Việt Nam, muốn thay đổi nó, nhưng đến khi bắt tay làm thì lại… mạnh ai nấy làm. Nên chăng chúng ta coi tình huống đau thương này là cơ hội để làm lại từ đầu
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đều cho rằng phải thay đổi tư duy, làm ăn nghiêm túc và bỏ lối suy nghĩ rằng lúc nào cũng có một thị trường khổng lồ dễ tính đang chờ. Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nói thẳng: “Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chơi mới. Sản phẩm làm ra chưa thật sự chỉn chu nên thất bại cũng là lẽ đương nhiên. Tất cả từng mắt xích trong chuỗi giá trị đều phải thay đổi tư duy để thích ứng với yêu cầu mới. Trong đó, việc thay đổi tư duy của nông dân là rất quan trọng. Nông dân cần hợp tác với nhau sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và đồng đều thì hàng hóa mới có cơ hội bán với giá cao và đi xa được”.
Theo các DN, người mua hàng đã thay đổi thói quen tiêu dùng nhưng nhà sản xuất Việt Nam vẫn làm theo cách của mình. Cụ thể như Trung Quốc gần đây đã đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu vào nước này, ví dụ nông sản phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến. Nhưng trong đợt gần đây họ qua Việt Nam để kiểm tra thì chúng ta đều không đạt. Như vậy hàng hóa chỉ có thể đưa lên cửa khẩu biên giới chờ thời chứ khó mà chuyển hướng xuất khẩu bằng đường biển được. “Đây là vấn đề của bản thân nông dân và DN, ai muốn tiếp tục cuộc chơi thì tuân thủ luật chơi, người còn lại sẽ thất bại. Điều này cũng cần rất nhiều thời gian và chúng ta phải chấp nhận giai đoạn khó khăn hiện tại”, bà Vy trăn trở.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty thanh long Hoàng Hậu, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam, nhận định: “Dịch bệnh chỉ là một phần câu chuyện, điều quan trọng là phải nhìn vào bản chất của vấn đề. Trước giờ mình cứ sản xuất tràn lan, mạnh ai nấy làm, cung vượt cầu thì làm sao không bị ép cho được. Ai cũng nhận ra những hạn chế của nền nông nghiệp Việt Nam, muốn thay đổi nó, nhưng đến khi bắt tay làm thì lại… mạnh ai nấy làm. Nên chăng chúng ta coi tình huống đau thương này là cơ hội để làm lại từ đầu? Vấn đề là nông dân làm ăn nhỏ lẻ, ít vốn mà họ lại cần có kinh tế phục vụ cuộc sống hằng ngày; chính vì vậy nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật thông qua các tổ chức hợp tác để giúp nông dân làm ăn lớn.
Bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận: “Để giải quyết tận gốc bài toán ùn tắc nông sản ở cửa khẩu là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được. Vì mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán, nhưng các DN tiếp cận thị trường chính ngạch rất khó khăn”. Đồng quan điểm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cũng cho rằng vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần có thời gian. Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
“Tôi phát hiện, mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để xảy ra ùn ứ, chúng ta “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều khi chính mình phải xem lại mình trước”.
Bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho rằng việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như: tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, thói quen mua bán của cư dân biên giới... Do đó, chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ, nhưng việc xây dựng lộ trình này là vấn đề cấp bách.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đúc kết: “Chúng ta cần phải tổ chức lại ngành hàng, từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh quản lý, DN tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn. Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container với nhiều rủi ro. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một “vùng xanh” để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn”.
Bộ NN-PTNT cũng đã trình Thủ tướng chủ trương hình thành trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ và sắp tới là một trung tâm ở khu vực Tây nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.
Bình luận (0)