Kết quả kiểm tra mới đây của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho thấy có đến 30% mẫu trái cây Trung Quốc được kiểm tra trên địa bàn nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, chủ yếu là quýt, lê và táo.
Trái cây Trung Quốc ở các chợ tại TP.HCM đang ế ẩm - Ảnh: Chí Nhân |
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM cho biết: “Trong số các loại trái cây ngoại nhập vào VN, chỉ có trái cây TQ nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu với tỷ lệ khoảng 30%, còn trái cây của các quốc gia khác thì gần như không có dư lượng thuốc trừ sâu. Hằng đêm, tại mỗi chợ đầu mối trái cây đều được kiểm tra đầu vào, với số lượng từ 5 đến 10 mẫu trái cây để xét nghiệm”. Theo lãnh đạo Chi cục BVTV TP.HCM, kết quả này vẫn còn hạn chế vì cơ chế giám sát hiện nay không thể kiểm soát hết 100%.
Nguy hiểm
|
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, nguyên Cục phó Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Có đến 30% mẫu kiểm nghiệm trái cây TQ có dư lượng thuốc trừ sâu là khá nghiêm trọng. Thông thường, thời gian thuốc trừ sâu tồn tại trong trái cây chỉ khoảng 5 - 7 ngày. Vậy mà trái cây TQ vận chuyển từ biên giới phía bắc về đến TP.HCM mà vẫn phát hiện dư lượng thì rõ ràng đã được phun xịt quá nhiều thuốc”.
Theo các chuyên gia BVTV, thuốc BVTV tồn dư trong thực phẩm vào cơ thể qua con đường ăn uống. Chúng có thể bị loại bớt một phần theo khí thở, qua bài tiết, nhưng không thể tránh khỏi sự tồn đọng các chất độc hại này ở trong gan. Một số thuốc BVTV chuyển hóa thành những sản phẩm ít độc hơn, dễ hòa tan trong nước hơn thì sẽ dễ dàng bị loại bỏ, nhưng có những loại hóa chất lại tạo thành những chất trao đổi trung gian độc hơn (như paration chuyển thành paraoxon), tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm. Thuốc BVTV có trong thức ăn, đồ uống với lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp tính gây rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (nhức đầu, hôn mê, co giật hoặc co cứng cơ...), trụy tim mạch, suy hô hấp rất dễ dẫn đến tử vong. Những trường hợp ngộ độc mãn tính do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc tồn dư trong thực phẩm sử dụng với lượng nhỏ nhưng tích lũy lâu ngày cũng có thể gây các tổn thương ở đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh, rối loạn hệ thống tạo máu, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.
Cơ hội cho trái cây nội
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối tại TP.HCM cho biết các mặt hàng táo, nho, lê... TQ hiện tiêu thụ rất chậm. Chị Hương, một tiểu thương ở Q.2 (TP.HCM), cho biết: “Trước đây số lượng tiêu thụ trái cây nội và ngoại ngang nhau, bây giờ người ta ít mua trái cây ngoại lắm, trái cây TQ lại càng ít, nên số lượng bán ra chỉ chừng 30%, còn lại là trái cây VN”.
Sản lượng trái cây nhập khẩu về các chợ đầu mối hiện giảm đáng kể. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng rau củ quả TQ về chợ giảm gần một nửa so với bình thường, từ mức trung bình 250 tấn xuống chỉ còn từ 100 - 150 tấn/ngày. Chủ một cửa hàng phân phối trái cây ở đây cho biết: “Rau quả TQ trước đây đã không có tiếng tốt nay lại càng xấu hơn, vì vậy mà nhiều khách quay lưng”.
Tiến sĩ Võ Mai khuyến cáo: “Trong bối cảnh năng lực kiểm soát trái cây độc hại của VN còn hạn chế, chưa thể ngăn cấm được nông sản TQ kém chất lượng vào thị trường nội địa thì tốt nhất người tiêu dùng nên cảnh giác, tự bảo vệ mình bằng cách không sử dụng thường xuyên một loại trái cây ngoại nhập nào đó, ưu tiên sử dụng trái cây sản xuất trong nước như chôm chôm, thanh long, vú sữa, măng cụt... vừa an toàn lại vừa ủng hộ nông sản trong nước”.
Quang Thuần - Chí Nhân
>> Trái cây Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam
>> Thảo dược Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu
>> Trà Trung Quốc nhập vào Nhật nhiễm thuốc trừ sâu
Bình luận (0)