Sầu riêng, chuối, mít, thanh long… lên hương
Nếu như thời điểm này năm trước, giá mít còn đang lẹt đẹt ở mức dưới 10.000 đồng/kg thì hiện nay, mít loại 1 đã tăng lên đến 40.000 đồng/kg mà không có hàng để mua. Anh Nguyễn Văn Nhím, chủ vườn mít tại Cái Bè (Tiền Giang) hồ hởi khoe: "Cứ giá thế này quanh năm thì dân sống khỏe lắm. Mấy ngày nay thương lái đi thu gom khắp nơi tìm mít loại 1 để xuất khẩu nhưng không có".
Trong số những loại trái cây đang tăng giá, lợi nhuận cao nhất hiện nay phải kể đến sầu riêng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có 869 mã số vùng trồng với diện tích hơn 60.358 ha cùng các loại cây như lúa, xoài, mít, ớt, sầu riêng… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 32 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, diện tích hơn 708 ha. Trong đó, 23 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gần 520 ha), còn lại là các vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nga, Mỹ, Úc… Với giá bán bình quân trên 100.000 đồng/kg, nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỉ đồng/ha, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.
Người trồng thanh long đầu năm nay cũng đón nhận tin vui khi giá liên tục tăng cao. Bán 20.000 đồng/kg, nhiều chủ vườn đã có lợi nhuận gấp đôi chi phí bỏ ra. Điều này trái ngược hẳn với không khí bi đát, chán nản vào cùng thời điểm năm trước, khi trái thanh long bế tắc đầu ra, chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg, thậm chí đem cho bò ăn hoặc làm phân bón.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm 2023. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu được 200.000 tấn chuối, bằng một nửa sản lượng của cả năm trước. Theo Sở NN-PTNN tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 13.149 ha đất trồng chuối, đứng đầu cả nước, chiếm tỷ lệ 8,53%. Đây cũng là địa phương đứng đầu về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với 30 vùng trồng, tổng diện tích 5.669 ha (chiếm 43% diện tích chuối của tỉnh). Đồng Nai đặt mục tiêu xuất khẩu 500.000 tấn chuối sang Trung Quốc trong năm nay. Hiện, năng suất chuối trung bình tại Đồng Nai là khoảng 40 - 45 tấn/ha, thu nhập bình quân 1 ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả từ cách làm bài bản
Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2022 đã có thêm 5 mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào những thị trường lớn, khó tính, gồm: nhãn xuất khẩu vào Nhật Bản, bưởi xuất khẩu vào Mỹ, chanh và bưởi xuất khẩu vào New Zealand, sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đến nay Trung Quốc đã nhập khẩu 11 loại trái cây của VN, Mỹ nhập khẩu 7 loại, Nhật Bản 8 loại, Hàn Quốc 6 loại, Úc 4 loại, New Zealand 5 loại...
Theo ông Lê Viết Bình, đại diện Bộ NN-PTNT phía nam: "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc được ký kết giúp cho nhiều loại trái cây xuất khẩu thuận lợi. Theo đó, các quy chuẩn trong sản xuất, xuất khẩu được chuẩn hóa, giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt một cách rõ ràng, minh bạch. Các sản phẩm đảm bảo chất lượng được thông quan nhanh chóng hơn. Cánh cửa thị trường hơn 1,4 tỉ dân đang mở rộng cho trái chuối nói riêng và các mặt hàng nông sản VN. Nhưng cánh cửa đó có thể đóng lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta không tuân thủ luật chơi thương mại quốc tế, luật chơi được thể hiện rất rõ, nghiêm ngặt theo Nghị định thư đã ký".
Trái ngược với trạng thái phấn khích của các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch, nhiều loại trái cây khác tại VN như cam sành, quýt, bưởi…lại đang rớt giá. Giá cam sành hiện tại đã tăng trở lại mức 8.000 đồng/kg tại vườn, tuy nhiên, thời điểm cách đây vài ngày giá cam sành rơi xuống mức 3.000 đồng/kg, loại nhỏ chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg. Đại diện Hiệp hội Rau quả VN nhận định: "Cam sành là loại trái cây chủ yếu tiêu thụ nội địa, dùng để chế biến nước uống sử dụng ngay nên đầu ra hạn chế. Năm 2022, trong khi các loại trái cây xuất khẩu bị rớt giá thê thảm thì cam sành lại trúng đậm, giá lên đến 18.000 đồng/kg mà chủ vườn còn chưa chịu bán. Thời điểm đó vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết oi bức, tiêu thụ cam sành hút hàng. Cũng từ đó người dân đổ xô vào trồng cam, dẫn đến sản lượng tăng vọt. Năm nay thị trường nội địa khó khăn, cung vượt cầu nên trái cam dội chợ". Mặc dù vậy, sau khi có phong trào chung tay "giải cứu" cam của nhiều đơn vị, tổ chức, đoàn thể, giá cam đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, đánh giá: Khâu sản xuất của chúng ta dần đi vào nền nếp, đạt chuẩn chung nên có thể xuất khẩu đi bất kể thị trường khó tính nào. Đó là sự chuyển biến mang lại khác biệt giữa các loại nông sản có giá và rớt giá hiện nay. "Với thị trường Trung Quốc được khơi thông, đặc biệt là sự gia tăng kim ngạch nhanh chóng của sầu riêng thì xuất khẩu trái cây, rau quả của VN năm nay có thể đạt đến 4 tỉ USD, thậm chí là cao hơn. Bởi thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 60% sản lượng trái cây VN. Bên cạnh đó các thị trường khác như Mỹ, Nhật, châu Âu, Trung Đông… cũng đang tăng trưởng ổn định", ông Nguyên lạc quan.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), phân tích: Trước đây thị trường Trung Quốc còn dễ tính, tiêu thụ nông sản không đòi hỏi nhiều về chất lượng nhưng trong những năm gần đây, nước này đã hoàn thiện luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249, 259 quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc, biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Nước này cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản ngày càng tiệm cận với nhiều nước Âu - Mỹ. Do đó, con đường tốt nhất để duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Ông Tô Ngọc Sơn dẫn chứng: "Việc ký kết Nghị định thư với Trung Quốc rất quan trọng, giúp cho tiêu thụ nông sản được ổn định hơn, ít rủi ro hơn. Ví dụ như hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ VN. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng hiện nay, dưa hấu được xuất khẩu khá nhiều nhưng giá bán vẫn thấp. Do đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch".
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Liêu Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kelly Swangle, đơn vị đàm phán với các nhà mua hàng quốc tế, cho hay khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, trái cây VN xuất qua thị trường Trung Quốc rất nhiều, điển hình như mặt hàng chuối tươi đang là đối thủ cạnh tranh mạnh với Philippines. Thế nhưng, bà Kiều cũng góp ý xuất khẩu ra thị trường nước ngoài không dễ, từ khâu sản xuất, bảo quản, thị trường, thanh toán…đều phải minh bạch, rõ ràng. Do đó cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, như vậy mới nâng cao được hình ảnh sản phẩm Việt. Khi đã có thương hiệu, giá sẽ ổn định và tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tốt hơn, bền vững hơn.
"Tân binh" chờ được gọi tên
Việc một số nông sản được cấp phép và xuất chính ngạch vào Trung Quốc với giá cao là hướng đi cho nhiều loại trái cây, rau quả đang còn loay hoay được mùa rớt giá trong nước. Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền (TP.HCM), lượng hàng trái cây về chợ đêm 23.2 giảm nhẹ, sức mua trung bình. Giá một số loại trái cây đang rớt hiện nay gồm có cam sành 6.000 - 8.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giảm 10.000 đồng/kg, còn 60.000 - 75.000 đồng/kg, củ sắn 7.000 - 10.000 đồng/kg, mận An Phước 7.000 - 10.000 đồng/kg... Những mặt hàng còn đang bấp bênh giá bán như nêu trên đều là những tân binh đang chờ đợi để vào danh sách xuất khẩu chính ngạch.
ý kiến
Chỉ cần Trung Quốc mua, bao nhiêu cũng hết
Sản lượng trái cây VN hằng năm xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ 60 - 70%, dù chúng ta có mở rộng thị trường ra đến đâu thì cũng khó có thể thay thế được thị trường rộng lớn này. Trong mấy năm Trung Quốc áp dụng chính sách chống dịch "Zero Covid", hầu hết các loại nông sản, rau quả của VN đều bị ảnh hưởng vì ách tắc đầu ra. Tuy nhiên, chỉ vài tháng cuối năm, Trung Quốc đồng ý mở cửa đã khiến cho tình hình khả quan trở lại, giá cả tăng cao, bà con nông dân phấn khởi. Với thị trường tỉ dân và sở thích tiêu dùng trái cây, thật sự mà nói họ chỉ cần tiêu dùng bình thường thì chúng ta đã bán không kịp, chưa kể các thị trường khác. Với việc Trung Quốc mở cửa thêm cho nhiều mặt hàng nông sản của VN như sầu riêng, chanh leo, khoai lang... kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN sang Trung Quốc có thể tăng 20 - 30%.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả
Nhộn nhịp nơi cửa khẩu
Từ ngày 20.2, TP.Bằng Tường (Trung Quốc) khôi phục phương thức thông quan cửa khẩu như trước khi có dịch bệnh nên trong tuần qua, hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh rất sôi động, lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan tiếp tục tăng 12,5% so với tuần trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 73,22 triệu USD tăng 4,3% so với tuần trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 32,71 triệu USD tăng 3%, kim ngạch nhập khẩu đạt 40,51 triệu USD tăng 5%.
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn
Đối với khoai lang, theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, địa phương có vùng sản xuất khoai lang lớn ở ĐBSCL, những năm qua, có thời điểm giá khoai lang chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, dẫn đến nông dân thua lỗ, diện tích xuất thu hẹp. Trước đây, diện tích sản xuất khoai lang của tỉnh Vĩnh Long lên đến 13.000 - 14.000 ha, sau đó giảm còn khoảng 750 ha. Nay Trung Quốc chấp thuận cho xuất chính ngạch sẽ là tín hiệu vui thúc đẩy nông dân gia tăng diện tích.
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND H.Bình Tân (Vĩnh Long), đồng tình: "Đến nay, khi Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch, chính quyền và nông dân địa phương rất vui mừng. Huyện đã cấp được 4 mã số vùng trồng đối với khoai lang. Trong thời gian tới, tiếp tục vận động bà con cố gắng giữ diện tích khoai lang. Có thể chuyển sang cây trồng khác ngắn ngày, khi giá khoai lang có giá xuất khẩu được thì tiếp tục quay trở lại".
Bình luận (0)