Trái cây Việt ùn ùn xuất ngoại

24/12/2022 06:28 GMT+7

Lượng xuất khẩu tăng đột biến, giá trị cao, thị trường lớn mênh mông... một số trái cây của Việt Nam vừa được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu đang trở thành những “ngôi sao” mới.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc... cũng đã mở cửa với một số trái cây Việt Nam.

“Ngôi sao mới” gọi tên sầu riêng

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng bức tranh xuất khẩu rau củ, trái cây qua thị trường Trung Quốc năm nay khác hẳn với năm 2021. Thời điểm này năm ngoái hàng ngàn container ách tắc ở các cửa khẩu do thị trường Trung Quốc gia tăng kiểm soát dịch Covid-19. Còn hiện tại, nhiều loại trái cây Việt vẫn nườm nượp qua thị trường này đặc biệt là sầu riêng.

Mít, sầu riêng Việt Nam bán tại siêu thị Guo Shu Hao, Bắc Kinh, Trung Quốc

Roger Châu

Một cuộc khảo sát được chúng tôi thực hiện từ giữa tháng 12.2022 ở một số tỉnh, thành ĐBCSL cho thấy không khí lao động ở các vườn trái cây đến vựa thu mua cho tới công ty chế biến rau quả xuất khẩu ở các tỉnh miền Tây… đâu đâu cũng thấy háo hức và hăng say.

Tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre) từ sáng công nhân đã soi đèn vệ sinh từng trái bưởi để chuẩn bị đóng thùng xuất khẩu đi Mỹ. Nhóm khác thì tập trung dán tem lên cuống từng trái sầu riêng, đóng container xuất khẩu đi Trung Quốc. Đến giữa trưa, các nhóm thu mua tỏa đi các nhà vườn, hợp tác xã liên kết thu mua đợt hàng mới. Hàng hóa được tập kết và chuyển về công ty vào lúc chiều tối. Tại đây, những khâu sơ chế đầu tiên được tiến hành cho đến lúc nửa đêm. Đó là vòng quay làm việc của một trong số những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, uy tín tại miền Tây. Rất nhiều vựa cũng như công ty xuất khẩu trái cây khác cũng tương tự, nơi nào cũng thấy cảnh hàng, xe tấp nập và công nhân làm việc đông đúc.

Rau quả Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

Số liệu của ngành hải quan cho biết, trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 110 triệu USD giảm 2,2%. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam qua cảng Cát Lái đạt gần 313 triệu USD, tăng 154% so với cùng kỳ 2021. Các loại rau quả Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc như: táo, nho, tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp… Bên cạnh đó là nhóm sản phẩm chế biến như: khoai tây chiên, rong biển, bột ớt, hạt dẻ cười tẩm ướp, hạt hướng dương…

Theo số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), sau khi Nghị định thư về kiểm dịch thực vật sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết, lượng sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng vọt. Riêng trong tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng chiếm khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10. Tính chung từ tháng 1 - 10.2022, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 294 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, trái sầu riêng chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu trái cây, chỉ xếp sau thanh long giá trị xuất khẩu đạt 552 triệu USD, chiếm 32,5% thị phần.

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh

Đào Ngọc Thạch

Cầu tăng, cung tăng thì giá tăng. Nhiều nhà vườn cho biết thời điểm này đang là đầu vụ sầu riêng ở miền Tây. Nhờ xuất khẩu thuận lợi từ tháng 9 nên hiện tại giá thu mua sầu riêng loại 1 (từ 3 - 5 kg/trái) tại vườn từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm trước.

“Đợt mặn lịch sử cách đây 4 năm đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cây sầu riêng liên tiếp 3 năm sau đó. Nhưng may mắn là đến năm nay cây vừa khỏe mạnh trở lại nên năng suất tốt hơn những năm trước. Không chỉ sầu riêng mà các loại trái cây khác như: bưởi, mít, vú sữa, xoài… cũng được mùa được giá; ai ai cũng phấn khởi”, đại diện một nhà vườn khoe.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định: “Nếu như thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì bây giờ sầu riêng chính là “ngôi sao mới”. Thanh long thì có thể ra trái quanh năm, chỉ cần chong đèn là đơm hoa kết trái còn sầu riêng thì có mùa. Thế nhưng, cái hay của nông dân Việt Nam là rải vụ sầu riêng rất tốt nên giá cao do không bị dội chợ”. Cụ thể như năm 2021, cửa khẩu ách tắc thì giá tại vườn cũng đến 40.000 - 50.000 đồng/kg chứ không thấp hơn; năm nay đầu mùa lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg. Sản lượng xuất khẩu tháng 10 ước đạt 20.000 - 30.000 tấn và trong các tháng tiếp theo có thể lên tới 40.000 - 50.000 tấn.

“Không chỉ sầu riêng mà các loại trái cây khác cũng tăng do cửa khẩu không còn tắc nghẽn và Việt Nam vừa mới ký hàng loạt nghị định thư với phía Trung Quốc. Mặt khác, phía bạn cũng đang từng bước nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 và họ cũng chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết nên xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đang rất thuận lợi”, ông Nguyên phân tích.

Sơ chế bưởi da xanh để xuất khẩu đi Mỹ

Sầu riêng sẽ mang về tỉ USD ?

Để thấy hết giá trị khai mở của Nghị định thư về sầu riêng với Trung Quốc, ông Nguyên so sánh: Từ cuối năm ngoái đến tháng 8 năm nay, tháng nào xuất khẩu rau quả cũng giảm 30 - 35% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng từ khi có nghị định thư thì kim ngạch quay đầu tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Với đà này, khả năng năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trái cây - rau củ ít nhất 20% so với năm nay. Riêng sầu riêng, trước đây mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được 170 - 180 triệu USD, nhưng nếu phát triển ổn định như hiện tại thì rất có thể đạt đến con số cả tỉ USD.

Trung Quốc hủy bỏ xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các chính quyền địa phương và các cảng của Trung Quốc đang hủy bỏ các quy trình nhập khẩu phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt như xét nghiệm, khử trùng. Việc kiểm tra và kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản được chuyển qua hình thức thông thường. Những thay đổi mới trong chính sách nhập khẩu là tin vui cho các công ty nhập khẩu thủy sản Trung Quốc vì chi phí nhập khẩu sẽ giảm đáng kể khoảng 1.430 USD/container. Việc nới lỏng các chính sách phòng chống dịch cũng sẽ rút ngắn thời gian chờ thông quan.

“Vấn đề là nông dân và doanh nghiệp phải hợp tác và tuân thủ nghiêm các quy định của khách hàng để tránh đổ vỡ thị trường hay không mà thôi”, ông Nguyên nói.

Kỳ vọng của ông Nguyên là hoàn toàn có cơ sở. Về thị trường, năm 2021, dung lượng thị trường sầu riêng Trung Quốc trị giá khoảng 4,2 tỉ USD tương đương khoảng 800.000 tấn, tăng hơn 40% so với năm 2020. Nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của người Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Thế nên, đây là thị trường hết sức tiềm năng, thoải mái cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Đặc biệt, trong một động thái mới nhất theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng của Việt Nam. Như vậy Việt Nam hiện có 83 vùng trồng và 30 cơ sở đóng gói được phê duyệt cấp mã số. Số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới vì đang có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.

Tuy nhiên, để duy trì xuất khẩu bền vững, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 9 loại quả từ Việt Nam bao gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Trong năm 2022, Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc cho các sản phẩm: chanh leo, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang và tổ yến. Có thể nói, cơ hội tăng kim ngạch từ thị trường tỉ dân này là rất lớn.

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn

đồ họa: hồng sơn

Bưởi, chanh đi Mỹ và New Zealand

Không chỉ Trung Quốc, năm 2022 là năm trái cây Việt Nam nhận “visa” vào nhiều thị trường khó tính. Đơn cử như cuối tháng 11.2022 vừa rồi, những lô bưởi da xanh đầu tiên đã chính thức lên đường sang Mỹ. Bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Diện tích trồng bưởi của Việt Nam lên đến 105.000 ha với sản lượng gần 905.000 tấn. Riêng ĐBSCL, vùng trồng bưởi trọng điểm với diện tích khoảng 32.000 ha, sản lượng khoảng 369.000 tấn...

Theo bà Ngô Tường Vy (Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu), lô bưởi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong những ngày đầu tiên của tháng 12.2022 với giá bán lẻ từ 6,99 - 9,99 USD/Ib (khoảng 15 - 22 USD/kg), tương đương 375.000 - 535.000 đồng/kg. Mức giá này bao gồm chi phí chiếu xạ (0,8 USD/kg), phí vận chuyển bằng đường hàng không từ 6,5 - 8,5 USD/kg… Những lô hàng vận chuyển bằng đường biển giá sẽ cạnh tranh hơn.

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hằng năm, người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây nhưng nguồn cung nội địa hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu phần còn lại phải nhập khẩu. Đây được xem là thị trường tiềm năng hướng tới của ngành trái cây Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Mỹ cũng tăng dần theo thời gian, cụ thể năm 2015 mới đạt khoảng 59 triệu USD thì đến năm 2021 là gần 223 triệu USD. Tính đến tháng 11.2022, kim ngạch đạt đến 240 triệu USD tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước khi quả bưởi chính thức đi Mỹ, ngày 15.11, Việt Nam và New Zealand đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu chanh xanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand. Trước đó, Việt Nam đã xuất khẩu xoài, thanh long và chôm chôm vào thị trường New Zealand.

Ý KIẾN

Năm 2023 xuất khẩu rau quả sẽ khởi sắc

Cửa khẩu qua Trung Quốc không còn ách tắc khiến hàng ngàn xe chở nông sản ùn ứ. Nhiều nghị định thư cho các loại rau quả khác nhau được ký kết với Trung Quốc. Một số thị trường lớn khác cũng mở cửa cho trái cây Việt Nam... Có thể thấy, năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy ngành rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khởi sắc.

Ông Đặng Phúc Nguyên (Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam)

Tính ổn định của thị trường Trung Quốc không cao

Xuất khẩu trái cây năm nay thuận lợi hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tính ổn định của thị trường này hiện tại không cao. Mới đây, tại một số ngôi chợ ở Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đã bùng dịch. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân và thị trường. Chúng ta cũng chưa biết chắc các định hướng phòng chống dịch của họ như thế nào. Đây là những vấn đề rất khách quan và nhạy cảm mà các nhà xuất khẩu cũng cần lưu ý.

Bà Ngô Tường Vy (Tổng giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu)

Với những tín hiệu tích cực và nhiều thị trường tiềm năng được khai phá, Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 vừa được Bộ NN-PTNT phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỉ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỉ USD. Đề án cũng xác định 14 loại cây ăn quả chủ lực được chọn để tập trung phát triển thời gian tới là: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và na. Đến năm 2025 diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu ha với sản lượng đạt 14 triệu tấn; trong đó, 14 loại cây ăn trái chủ lực như trên đạt 960.000 ha với sản lượng đạt khoảng 11 - 12 triệu tấn.

Bộ NN-PTNT sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường. Song song đó chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; liên kết thu mua, chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường. Mặt khác thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.