Trái cây xuất ngoại giá tăng, loại bán nội địa lại giảm

08/02/2023 06:28 GMT+7

Xuất khẩu trái cây những ngày đầu năm giá tăng cao liên tục, thậm chí không có hàng để mua. Trong khi đó nhiều loại trái cây tiêu thụ nội địa giá lại lao dốc.

Xuất khẩu không kịp thở

Ngay từ mùng 2 tết, nhân viên và công nhân của Công ty Vina T&T đã bắt tay vào việc sơ chế, đóng gói trái cây để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, chia sẻ: "Những ngày đầu năm 2023, mặc dù cả nước đang nghỉ tết nhưng doanh nghiệp (DN) của tôi vẫn phải làm việc xuyên suốt, chỉ nghỉ đúng 1 ngày sau đó quay trở lại làm việc. Năm nay thị trường trái cây VN có nhiều tín hiệu hết sức tích cực ngay từ đầu năm, chúng tôi đang chạy đua để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, bưởi vào Mỹ, vải vào Singapore, New Zealand, Úc, nhãn vào Nhật Bản… Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay thì xuất khẩu của ngành rau quả cả năm sẽ tăng trưởng đến 30%".

Trái cây xuất ngoại giá tăng, loại bán nội địa lại giảm - Ảnh 1.

Trái cây xuất khẩu đang tăng giá

Chí Nhân

Mặt hàng thanh long cũng đang hút hàng rất mạnh. Hiện nay các thương lái đang săn lùng thanh long chín ở các khu vực Bình Thuận, Long An. Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cho biết: "Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại, các loại trái cây được Trung Quốc ưa chuộng như thanh long, mít đã nhanh chóng hút hàng, giá thanh long tăng gấp 3 lần nhưng thương lái cũng không có hàng để mua. Hiện nay các đơn hàng của công ty tôi từ khách hàng Trung Quốc cũng khá nhiều, tình hình tương đối thuận lợi".

Theo ghi nhận, các vựa thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang thu mua thanh long ruột trắng với giá 20.000 đồng/kg. Với giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg thì người trồng thanh long đang có lãi gấp đôi. Giá thanh long xuất khẩu tăng cao cũng kéo theo giá nội địa tăng. Thanh long Bình Thuận về chợ đầu mối Bình Điền

(TP.HCM) đêm 6.2 cũng đang ở mức 20.000 đồng/kg (loại 1) và 15.000 đồng/kg (loại 2), trong khi đó thanh long từ Long An có giá thấp hơn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin đến cuối tháng 12.2022, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 5.283 ha, hiện nay còn khoảng 27.000 ha, ước tính sản lượng đạt hơn 600.000 tấn, giảm hơn 80.000 tấn so với năm 2021.

Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: Từ sau chuyến công du của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, tình hình giao thương xuất khẩu trái cây hết sức thuận lợi. Mặt hàng sầu riêng ngay lập tức được đẩy mạnh và chỉ trong 3 tháng cuối năm đã đạt kim ngạch gần 300 triệu USD. Trong suốt kỳ nghỉ tết việc xuất khẩu vẫn không hề đình trệ, nhiều DN xuất khẩu không kịp thở vì hút hàng. Các mặt hàng tăng giá mạnh là mít, thanh long, sầu riêng. Thời điểm hiện tại vùng trồng thanh long của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Tây chưa thu hoạch vì thời tiết lạnh, trong khi sầu riêng Thái Lan thì chưa đến vụ, về chất lượng cũng được đánh giá không ngon bằng sầu riêng VN. Chính vì vậy trái cây xuất khẩu của VN đang được mùa.

 "Thị trường Trung Quốc chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu trái cây của VN, các thị trường khác như châu Mỹ, châu Âu cũng đang tăng trưởng tốt tuy nhiên mức tăng chưa đột biến nên không nhìn thấy rõ như thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu trái cây năm trước đúng ra chỉ đạt 3 tỉ USD, tuy nhiên nhờ có sầu riêng xuất chính ngạch hiện nay những tháng cuối năm đã vượt lên 3,4 tỉ USD. Năm nay chỉ trong 1 tháng đầu năm đã đạt kim ngạch 400 triệu USD, dự báo cả năm có thể chạm mốc 4 tỉ USD hoặc có thể hơn", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.

Trái cây nội địa lại giảm giá mạnh

Trong lúc người trồng sầu riêng, thanh long, mít Thái đang hết sức phấn khởi vì giá thu mua tăng lên mỗi ngày, thì những vùng trồng trái cây khác như bưởi, cam, quýt, ổi, nhãn… lại rầu rĩ vì giá bán thấp. Ông Phạm Phú Hưng, chủ một trang trại tại Bình Dương, chia sẻ: "Nhìn thấy giá các loại thanh long, mít, sầu riêng tăng cao vùn vụt mà tôi thấy chạnh lòng. Trang trại của tôi trồng cam, quýt, bưởi, năm vừa rồi dịch bệnh tiêu thụ kém, đến tết tưởng rằng sẽ gỡ gạc được nhưng tết vẫn ế, tính chung cả năm là thua lỗ. Năm nay mới đầu năm mà cam, bưởi đều rớt giá mạnh".

Anh Trần Mỹ, ngụ tại xã Hựu Thành, H.Trà Ôn (Vĩnh Long), than thở: "Mùa này cam sành thu hoạch rất nhiều, trái đẹp, nhưng giá bán thì hỡi ôi. Cam, bưởi bây giờ người bán nhiều hơn người mua, có người còn năn nỉ mua giùm để thu hồi được tiền phân thuốc. Giá tại vườn chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, có khi lên đến 17.000 - 18.000 đồng/kg". Tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai, vùng chuyên canh bưởi Tân Triều đìu hiu từ trước tết đến nay. 

Ông Trần Văn Châu, một nông dân có thâm niên trồng bưởi 20 năm tại khu vực này, thừa nhận: "Chưa có năm nào, giá bưởi vào chính vụ lại xuống thấp như thế. Trước Tết Quý Mão, làng bưởi Tân Triều không còn nhộn nhịp cảnh thương lái ùn ùn đi thu mua bưởi tết như những năm trước. Người trồng bưởi trông chờ cả năm xem như thất thu nặng mùa tết. Đến khi hết tết rồi thì tình hình còn ảm đạm hơn. Hiện nay bưởi được trồng nhiều nơi, sản lượng lớn, tiêu thụ nội địa khó khăn vì sức mua kém nên bài toán chưa có lời giải được".

Tại chợ đầu mối Bình Điền, ghi nhận giá bán sỉ lượng hàng về chợ cũng thấy rất rõ sự phân hóa giữa 2 phân khúc trái cây. Các loại cây có múi tiêu thụ nội địa như cam sành (Vĩnh Long) chỉ còn 8.000 đồng/kg loại 1, 6.000 đồng/kg loại 2; đu đủ (Long An) chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg; ổi (Tiền Giang) từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, bơ (Đồng Nai) từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Trong khi đó các loại trái cây đang hút hàng xuất khẩu sang Trung Quốc lại đang được giá. Theo Ban Quản lý chợ Bình Điền, sau tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ trái cây đã giảm mạnh trở lại, giá trị nhập hàng cũng giảm gần 50% so với trước tết. Trong khi đó trái cây nhập khẩu vẫn tràn về khá nhiều, chiếm tỷ lệ 35 - 40%, gây sức ép lên trái cây nội địa.

Giá tăng "nóng", DN xuất khẩu sầu riêng lo thua lỗ

Hiện nay sầu riêng đang lên cơn sốt trên thị trường bán sỉ và lẻ.

Theo ghi nhận, giá thu mua sầu riêng Thái loại A tại vựa Vạn Hòa của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa (Cai Lậy, Tiền Giang) đang ở mức 220.000 đồng/kg, loại B là 200.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 loại A: 165.000 đồng, loại B: 145.000 đồng/kg. Hiện các nhà vườn khác ở Tiền Giang cũng đang thu mua sầu riêng quanh vùng giá 130.000 - 190.000 đồng/kg, mức giá này được cho là cao kỷ lục từ trước tới nay.

Trước tình hình giá sầu riêng tăng "nóng", có thể gây ảnh hưởng đến hợp đồng, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm (Ban Mê) - DN thu mua chế biến nông sản xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, đặc biệt là trái sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Chỉ vài tháng gần đây, sầu riêng nhanh chóng trở thành một sản phẩm nông sản chủ lực, mang lại lợi nhuận rất cao cho người nông dân và DN kinh doanh xuất khẩu.

Năm 2022, Công ty Ban Mê Green Farm thu mua chế biến được 2.000 tấn sầu riêng xuất khẩu đi các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và châu Âu, sang năm 2023 thì chỉ riêng đơn hàng ở Trung Quốc đã đặt mua sầu riêng từ 6.000 - 7.000 tấn. Nhu cầu gia tăng khiến giá sầu riêng tăng cao, khiến chúng tôi rất hoang mang. Bởi vì giá xuất khẩu thì đã được chốt trong hợp đồng không thể thay đổi, trong khi trong nước cứ đẩy giá lên thì DN sẽ bị lỗ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.