Trái đất đang...ăn mòn mặt trăng

06/09/2020 15:00 GMT+7

Dựa trên dữ liệu thu được từ tàu quỹ đạo Chandrayaan-1 của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), các chuyên gia phát hiện mặt trăng đang bị ăn mòn, và Trái đất phải gánh chịu phần trách nhiệm.

Dữ liệu từ tàu Chandrayaan-1 trên quỹ đạo mặt trăng cho thấy hai cực của thiên thể này có cấu tạo vô cùng khác biệt so với phần còn lại của mặt trăng.
Khi nghiên cứu ánh sáng phản ánh từ các cực, trợ lý giáo sư Shuai Li của Đại học Hawaii (Mỹ) phát hiện dấu hiệu của hematite.
Hematite là một dạng oxit sắt, người ta thường gọi là gỉ sét. Tuy nhiên, để sắt bị gỉ sét thì điều kiện tiên quyết là phải có oxy tồn tại, nhưng mặt trăng lại không có dạng dưỡng khí này.
“Đây quả là một câu đố hóc búa. Mặt trăng là một môi trường hầu như chẳng thể nào cho phép gỉ sét hình thành”, theo chuyên gia Li ghi nhận trong báo cáo đăng trên chuyên san Science Advances.
Để tìm câu trả lời, ông liên hệ với Phòng thí nghiệm động cơ đẩy phản lực (JPL) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Ban đầu, nhà khoa học Abigail Fraeman của JPL tỏ ra nghi ngờ về phát hiện trên. Tuy nhiên, nhóm của ông cũng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.
Kết quả cho thấy dù mặt trăng không có khí quyển, vẫn tồn tại các dấu vết của oxy ở thiên thể này vì từ trường của Trái đất.

Ảnh chụp hai cực của mặt trăng cho thấy sự tồn tại của gỉ sét

NASA/ISRO

Oxy có thể di chuyển từ quãng đường trung bình 385.000 km từ địa cầu đến mặt trăng thông qua cái gọi là đuôi của từ quyển. Trong đó, từ quyển là vùng không gian bao quanh hành tinh được từ trường Trái đất điều khiển, và đuôi của từ quyển là khu vực từ quyển kéo dài.
Điều này giải thích tại sao hàm lượng chất gỉ sét ở phần mặt trăng đối diện với Trái đất nhiều hơn hẳn so với phần tối của nó.
Cũng có khả năng oxy trên Trái đất được chuyển đến mặt trăng vào nhiều tỉ năm trước, khi khoảng cách giữa mặt trăng và địa cầu gần hơn so với hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.