Tay giữ chặt tay lái, vặn ga với tốc độ chưa đến 10 km/giờ đi vào những con hẻm chỉ vừa một người qua để né kẹt xe. Rẽ trái, rẽ phải. Gặp những khúc cua muốn bóp còi báo hiệu cho người đối diện rằng có xe sắp đến thì thấy ngay tấm bảng "hạn chế bóp còi".
Cảm giác của người lần đầu "chặt hẻm" nói chung là… hồi hộp.
Trải nghiệm "chặt hẻm" giúp tiết kiệm thời gian nhưng cũng khiến tài xế hồi hộp. (Video đã được chỉnh tốc độ gấp đôi).
"Chặt hẻm" 500 m có đến 9 bảng chỉ dẫn
Hẻm 292 đường Cách Mạng Tháng 8 (P.10, Q.3) có tấm bảng màu đỏ do chính quyền địa phương đặt ngay đầu hẻm để hướng dẫn phương tiện giao thông đi đến đường Trường Sa về Q.Tân Bình.
Đi theo hướng dẫn, PV Thanh Niên bất ngờ khi thấy cứ khoảng vài chục mét lại có bảng chỉ đường. Trong "ma trận hẻm 292 khoảng 500 m, có đến 9 tấm bảng với mũi tên chỉ hướng đi tiếp theo. Người lần đầu tiên trải nghiệm điều này có thể cảm thấy bản thân như đang tham gia một trò chơi.
Sau khi thoát khỏi những con hẻm ngoằn ngoèo, PV đến đường Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3) cạnh ga Sài Gòn. Muốn đến đường Trường Sa về hướng Q.Tân Bình, mọi người cần đi tiếp đường Trần Văn Đang. Quãng đường đo được là 0,87 km, mất gần 7 phút di chuyển trong hẻm với tốc độ khoảng 8 km/h.
Trong khi đó, nếu không "chặt hẻm" 292 mà đi tiếp trục đường chính Cách Mạng Tháng 8 - Rạch Bùng Binh - Nguyễn Thông - Trần Văn Đang vào giờ cao điểm, mọi người sẽ mất nhiều thời gian hơn, quãng đường cũng xa hơn với khoảng 1,1 km.
Có thể chính vì sự hiệu quả của việc "chặt hẻm" giúp hạn chế phương tiện lưu thông đến vòng xoay Dân Chủ nên nhiều hẻm khác ở khu vực này cũng đặt bảng chỉ dẫn tương tự.
Khi tình trạng kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh, đặc biệt trong giờ cao điểm, các hẻm nhỏ được coi là "lối thoát" giúp người dân tiết kiệm thời gian.
Ai cũng muốn về nhà nhanh hơn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, việc di chuyển trong hẻm nhỏ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vào giờ cao điểm, sự gia tăng lượng xe đột ngột ở hẻm nhỏ dẫn đến ùn tắc ngay trong hẻm. Những hẻm chỉ vừa một người qua, không gian chật hẹp xảy ra tình trạng 2 xe đối đầu hoặc va chạm nếu chạy nhanh.
Lúc này, cần một người chủ động nhường đường để đảm bảo thông suốt. Khi xảy ra tình trạng ùn tắc trong hẻm, việc kiên nhẫn, chờ đợi là điều cần thiết, không nên chen lấn, cố vượt lên.
Chính vì lo lắng cho sự an toàn của mọi người, người dân trong hẻm đặt bảng cảnh báo như: "Hẻm nhỏ trẻ em đông hoặc Hẻm nhỏ giảm tốc độ"...
Né kẹt xe nhưng không có kinh nghiệm lợi bất cập hại
Tương tự, PV Thanh Niên làm phép thử tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) - con đường kẹt xe quanh năm vào giờ cao điểm.
Giờ đi làm buổi sáng hay tan tầm chiều tối, mọi người thường phải mất hơn 10 phút để di chuyển từ đoạn hẻm 451 đến cầu Đinh Bộ Lĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh với quãng đường hơn 2 km. Tuy nhiên, nếu đi theo bảng chỉ dẫn, "chặt hẻm" 451, mọi người rút ngắn được 9/10 thời gian di chuyển và cả quãng đường.
Không vô cớ mà cơ quan chức năng đặt những bảng hướng dẫn "chặt hẻm" cho mọi người. Việc chọn đi vào những con hẻm nhỏ để tránh kẹt xe giờ cao điểm trên những trục đường chính là lựa chọn phổ biến.
Tâm lý chung của người tham gia giao thông là khi đến những khúc cua, thường muốn bấm còi ra hiệu cho phương tiện ngược chiều. Tuy nhiên, khi ai ai cũng bấm còi khiến con hẻm trở nên ồn ào, phần nào ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở đó. Nhưng bên cạnh, một điều dễ thấy khi đi vào các hẻm là tình trạng đậu xe dọc hẻm rất nhiều. Điều này khiến con hẻm đã nhỏ lại càng nhỏ hơn. Đôi khi, "chặt hẻm" không còn là "lối thoát" mà lại biến thành "một điểm ùn tắc mới".
Tựu trung, việc "chặt hẻm" trở nên tiện lợi cho người tham gia giao thông nhưng dù là ở đường lớn hay hẻm nhỏ thì ý thức, văn hóa tham gia giao thông là như nhau. Cần sự chung tay, ý thức của người điều khiển phương tiện và cả người dân sống sát mặt tiền hẻm, mặt tiền đường.
Tuy nhiên, không phải khu vực thường xảy ra kẹt xe, ùn tắc nào cũng được đặt bảng. Không ít người cũng có những trải nghiệm nhớ đời khi "chặt hẻm".
Nguyễn Thiên Ý (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ một kỷ niệm dở khóc dở cười hồi còn là sinh viên. Khi đó, Ý đang bị "chôn chân" tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vào giờ tan tầm. Tâm lý muốn nhanh chóng về nhà, nhưng không rành đường, khi thấy một số xe máy bất ngờ rẽ vào một con hẻm, Ý nghĩ thầm "chắc đây là lối thoát".
"Tuy nhiên, sau một hồi bám đuôi, tôi thấy người phía trước dừng lại, chuyền tai nhau mới biết mọi người đã đi vào hẻm cụt. Hôm đó phải mất gần 20 phút mọi người mới quay trở lại vị trí ban đầu để về nhà".
Bình luận (0)