Nhiều sinh viên ở đại học (ĐH) trải nghiệm chọn thử thách bản thân ở những lĩnh vực, hoạt động dường như không liên quan đến chuyên ngành học. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng càng giàu có và đa dạng trải nghiệm, sinh viên càng dễ thành công.
Học công nghệ, nhiều trải nghiệm âm nhạc truyền thống
Thời điểm tốt nghiệp THPT, Nguyễn Quốc Đạt tìm hiểu thông tin về nhiều trường ĐH. Trong đó, Đạt thích Trường ĐH FPT bởi môi trường năng động, giàu trải nghiệm dành cho sinh viên. Vào trường, Đạt chọn học Kỹ thuật phần mềm
Năm nhất của Đạt ở ĐH FPT khởi đầu bằng một loạt những trải nghiệm mới mẻ mà khi còn là học sinh phổ thông cậu chưa từng nghĩ tới. Quãng thời gian này lý thú hơn với Đạt khi cậu được biết tới bộ môn nhạc cụ dân tộc - một trong những môn học chính khóa đặc biệt ở ĐH FPT.
“Trước khi vào Trường ĐH FPT, mình chưa hề biết tới nhạc cụ dân tộc. Chọn trường rồi mình mới thấy bộ môn này khá lạ và hay”, Đạt chia sẻ. Niềm yêu thích với nhạc cụ dân tộc cứ nhen nhóm dần trong anh chàng sinh viên Kỹ thuật phần mềm. Ngoài giờ học trên lớp, Đạt nhờ thầy cô bộ môn hướng dẫn thêm. Dần dà, cậu biết chơi nhiều loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, trống chầu, đàn tỳ bà.
|
Đạt rủ một số bạn bè chung đam mê, xin trường thành lập hẳn một CLB Nhạc cụ dân tộc. Từ năm 2015 đến thời điểm CLB chính thức ra đời đến nay, hàng trăm sinh viên ĐH FPT đã có không gian chung để trải nghiệm nhiều hoạt động âm nhạc truyền thống. Đạt và các thành viên trong CLB nhiều lần biểu diễn tại các sự kiện lớn của trường. Riêng cậu tham gia cuộc thi tài năng sinh viên ĐH FPT với tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc và đạt giải nhì.
Nhắc đến những trải nghiệm ở ĐH FPT làm thay đổi con người mình, Đạt luôn nói về “âm nhạc truyền thống”.
Càng giàu trải nghiệm càng dễ thành công
|
“Nói thẳng ra thì bố mẹ không thích mình tham gia hoạt động sự kiện hay luyện tập nhạc cụ dân tộc đâu. Bố mẹ chỉ muốn mình tập trung học chuyên ngành thôi”, Đạt bộc bạch.
Tuy nhiên, bản thân Đạt cảm nhận được nhiều lợi ích từ hoạt động trải nghiệm dù nghệ thuật truyền thống không liên quan nhiều đến CNTT. “Lúc mệt mỏi vì những bài toán công nghệ, được đánh đàn xả stress thì hiệu quả không gì bằng. Hơn nữa, học nhạc cụ truyền thống giúp mình rèn tính tập trung, kiên trì, tỉ mỉ. Điều này cũng rất cần thiết cho dân công nghệ. Tham gia nhiều sự kiện sinh viên nên mình tự tin, năng động hơn hẳn”, Đạt chia sẻ.
Để thuyết phục phụ huynh, Đạt đảm bảo cân bằng việc học và trải nghiệm nhạc cụ dân tộc. Thỉnh thoảng, cậu gửi cho bố mẹ xem các clip đánh đàn do mình và nhóm bạn CLB biểu diễn. Tham gia các cuộc thi, sự kiện lớn nhỏ, được giải thưởng gì Đạt cũng “khoe” bố mẹ. “Cuối cùng, bố mẹ cũng tin tưởng và an tâm để mình trải nghiệm theo đam mê”, Đạt kể. Tốt nghiệp được hơn 2 năm, hiện Đạt giữ vị trí Trưởng phòng tại một đơn vị giáo dục. Ngoài kiến thức chuyên môn về công nghệ, những kỹ năng như tổ chức sự kiện, quản lý đội nhóm, tỉnh tỉ mỉ, kiên nhẫn... hỗ trợ cậu nhiều trong công việc.
Lo lắng khi con trải nghiệm những hoạt động có vẻ “không liên quan”, chỉ muốn con tập trung học kiến thức chuyên ngành có lẽ không phải là tâm sự của riêng bố mẹ Quốc Đạt. Nhiều bậc phụ huynh cũng chung nỗi niềm ấy. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện nay, chỉ biết kiến thức chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần kỹ năng và trải nghiệm thực tế để thích ứng với công việc.
Càng nhiều trải nghiệm, đa dạng lĩnh vực, thử sức ở nhiều vai trò khác nhau, sinh viên càng có cơ hội trang bị cho mình bộ kỹ năng hoàn chỉnh thuộc mọi mặt đời sống xã hội để định hình được thế mạnh, hạn chế của bản thân. Từ đó, kết hợp với kiến thức chuyên ngành, sinh viên ra trường mới có thể thích ứng với công việc, tự kiến tạo thành công của mình.
Do đó, càng giàu trải nghiệm, sinh viên càng dễ thành công. Thay vì lo lắng hay hạn chế con, phụ huynh có thể đồng hành để cùng con cân bằng giữa học kiến thức chuyên môn và trải nghiệm để trưởng thành.
Bình luận (0)