Cô Huỳnh Thị Lý (44 tuổi), giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Huệ, là phụ huynh của thí sinh Cao Huỳnh Thảo My, hiện đang học lớp 12D1 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Năm nay, cô Lý có cảm xúc khác biệt hơn so với các năm trước, khi từ cương vị là giám thị gác thi trở thành phụ huynh có con dự thi tốt nghiệp THPT 2024. "Mấy năm trước đi gác thi tại điểm trường thì tôi lo lắng và áp lực vì sợ xảy ra phạm lỗi, sơ suất. Còn năm nay, mình không tham gia gác thi nữa thì tinh thần thoải mái hơn, chỉ lo đưa con gái đến trường đúng giờ", cô Lý nói.
Chia sẻ thêm về quá trình đồng hành cùng con, cô Lý cho biết thể trạng con gái rất yếu nên cô thường nấu những món ngon bồi bổ và không cho con thức khuya để giữ gìn sức khỏe. "Trước đây, mình có một người bạn bị ngất xỉu trong phòng thi nên luôn nhắc nhở con thường xuyên giữ gìn sức khỏe. Là một giáo viên dạy tiếng Anh, nên tôi tin tưởng năng khiếu học môn này của Thảo My khá tốt nhưng cũng có phần lo lắng nếu chẳng may con bị sơ suất trong khi làm bài thi", cô Lý kể.
Tại điểm thi ở Trường THPT Đào Sơn Tây (P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức), cô Nguyễn Thị Mỹ Hiền, giáo viên môn toán của Trường THCS Lê Văn Việt, cùng chồng có mặt từ sáng sớm để đợi con. Con của cô Hiền là học sinh nội trú ở Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (cơ sở 4), nên cô Hiền rất hồi hộp và lo lắng khi chỉ được gặp con sau khi thi xong là phải tiễn con về trường ngay sau đó.
"Con học nội trú nên áp lực lớp 12 cũng nhiều. Do đó, vợ chồng tôi thường xuyên động viên con giữ tinh thần thật tốt trong kỳ thi. Khác một xíu là gia đình chỉ động viên từ xa thôi. Khoảng 22 giờ mỗi buổi tối, con sẽ gọi điện về nhà. Chủ nhật mỗi tuần, tôi sẽ lên thăm và nấu đồ ăn tẩm bổ để con có sức học tập", cô Hiền chia sẻ.
Thầy Nguyễn Đức Sĩ (53 tuổi), giáo viên dạy môn vật lý của Trường THCS Nguyễn Văn Bá, cũng từng tham gia gác thi nhiều lần. Con trai thầy học cùng trường với Hoàng Gia (con cô Mỹ Hiền và thầy Viết Nam) nhưng ở hệ bán trú. Theo lời thầy Sĩ, con của thầy được tạo điều kiện học tập trong môi trường nói không với máy tính và điện thoại. "Dù con rất chăm chỉ và nỗ lực nhưng tôi cũng đặt ra một số mục tiêu để con có động lực phấn đấu", thầy Sĩ chia sẻ.
"Tôi với bà xã là giáo viên dạy toán và lý nên con cũng xem như là "con sãi ở chùa". Cháu có nguyện vọng thi vào sư phạm toán nên muốn trúng tuyển thì phải đạt điểm cao. Phụ huynh nào cũng muốn con mình học giỏi. Nói đi cũng nói lại, mỗi đứa có một năng lực và tố chất riêng, cho nên không thể so sánh con mình với con người khác. Miễn con cứ cố gắng hết mình là được. Ba mẹ luôn luôn hy vọng ở con", thầy Sĩ chia sẻ.
Đồng hành cùng con từ những ngày đầu ôn luyện, cô Phạm Thị Mỹ Hà (50 tuổi), giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết con mình là Trần Minh Hào, học lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Huệ, gặp nhiều khó khăn trong môn ngữ văn. Theo cô Hà, con dành thời gian ôn tập nhiều nhưng không "cảm" được nên rất áp lực trong buổi thi đầu tiên.
"Trên cương vị là một cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là phụ huynh học sinh, tôi rất hiểu tâm lý của các em. Dù bận cỡ nào, mình cũng khuyên các bậc phụ huynh nên dành thời gian đưa đón để đảm bảo mọi thứ an toàn nhất cho con tới trường. Biết được bên ngoài luôn có gia đình đợi mình, các em cũng an lòng và vững tâm hơn, không còn cảm giác cô đơn trong phòng thi nữa", cô Hà tâm sự.
Bình luận (0)