Ngày 23.1.2024, tại nhà hàng Chiyoda Sushi (số 256 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra sự kiện giới thiệu các đặc sản từ Hokkaido và Tohoku tới nhiều đầu bếp, chủ các nhà hàng tại Việt Nam. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình thúc đẩy xuất khẩu Nhật - Việt, được tổ chức bởi Phòng Nền tảng xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản (thuộc JETRO TP.HCM).
Hải sản mang hương vị đặc biệt
Hokkaido và Tohoku là vùng đánh bắt, nuôi trồng hải sản nổi tiếng của Nhật Bản và trên thế giới. Tại Nhật Bản, sản lượng các loại hải sản đến từ Hokkaido chiếm 25% thị phần với nhiều loại như: cua, nhím biển, sò điệp và các loại cá, còn vùng Tohoku là một trong 3 ngư trường lớn nhất thế giới. Vùng Tohoku là tên gọi chung của 6 tỉnh: Aomori, Akita, Iwate, Miyagi, Yamagata và Fukushima. Đặc biệt, vùng biển Fukushima là nơi giao thoa giữa 2 dòng nước ấm và lạnh, trở thành điểm hội tụ lý tưởng của hơn 100 loại hải sản.
Chính những điểm đặc biệt trong điều kiện địa lý đã tạo nên hương vị tươi ngon, khác lạ cho từng loại hải sản tại các vùng đất nói trên.
Điển hình như sò điệp, nếu như sò điệp Hokkaido nhờ những con sóng "massage" mà cho ra chất lượng thịt dai giòn, thì sò điệp Aomori lại có độ mềm và độ ngọt nhờ vào việc được nuôi ở vùng vịnh Mutsu.
Cá hồi cũng là một trong những loại cá làm nên tên tuổi của ẩm thực Nhật Bản. Thông thường các nhà hàng Việt Nam sử dụng cá hồi từ Na Uy. Tuy nhiên, hiện nay còn có cá hồi Nhật Bản từ tỉnh Amori, được nuôi theo công nghệ hiện đại, mô phỏng đúng với môi trường sống tự nhiên của cá theo từng giai đoạn, cho ra thành phẩm cá hồi màu cam tươi với hương vị béo, mềm trong từng thớ thịt.
Bên cạnh đó, vùng Tohoku còn có cá ngừ vây xanh đánh bắt ở tỉnh Aomori. Cá ngừ vây xanh là loại cao cấp nhất trên thị trường cá ngừ, trong đó 3 phần thịt được yêu thích nhất là: phần Akami tươi mát và dai, Otoro với kết cấu béo, mềm tan trong miệng hay Chutoro là sự cân bằng hài hòa giữa Otoro và Akami.
Chất lượng làm nên thương hiệu
Theo ông Chung Văn Luân - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Nakajima Suisan Vietnam, khi nhập khẩu các loại hải sản từ Nhật Bản về Việt Nam, công ty luôn chú trọng đến độ uy tín của đơn vị cung cấp cũng như chất lượng, xuất xứ của thực phẩm.
"Phải là những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, công bố chất lượng đầy đủ và được bảo quản theo đúng quy trình thì chúng tôi mới nhập khẩu", ông Luân khẳng định.
Bên cạnh đó, để đảm bảo độ tươi ngon nhất của các loại hải sản, cả đơn vị cung cấp lẫn đơn vị nhập khẩu đều phải tuân thủ quy trình bảo quản chặt chẽ, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong quá trình vận chuyển.
"Không thể phủ nhận, các loại hải sản đến từ Nhật Bản có giá thành vô cùng đắt đỏ. Nhưng, chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận. Điều quan trọng hơn hết là trải nghiệm của khách hàng. Họ phải tiếp cận được sản phẩm, yêu thích chất lượng, hương vị của sản phẩm thì mới có thể kinh doanh lâu bền", đại diện Công ty Nakajima chia sẻ. Do vậy, công ty thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi và các buổi dùng thử để khách hàng cảm nhận được chất lượng và giá trị sản phẩm.
Tham gia buổi trải nghiệm tại nhà hàng Chiyoda Sushi Bến Thành, chị Như Khánh chia sẻ: "Dù ăn tươi nguyên bản hay chế biến thành sushi, món nướng, các loại hải sản đều giữ nguyên hương vị tươi ngon, tôi có thể cảm nhận được vị ngọt trong từng thớ thịt".
Bình luận (0)