Trái nhu cầu của nhà tuyển dụng, người lao động tìm việc lương trên 20 triệu đồng

03/04/2024 10:34 GMT+7

Trái với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, hiện TP.HCM, nhiều người lao động đều đặt tiêu chí lương trên 20 triệu đồng/tháng khi tìm việc.

Ngày 3.4, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) với 37.235 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, quý 1/2024, người lao động tìm việc ở các mức lương cụ thể như sau:

Mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm 0,77% trong tổng số nhu cầu của người lao động. Phần lớn các ứng viên đặt tiêu chí này khi tìm các việc có trình độ lao động phổ thông hoặc có tính chất bán thời gian như thực tập sinh; nhân viên bán hàng; tạp vụ; nhân viên bảo vệ, nhân viên phục vụ; phụ bếp; cộng tác viên; nhân viên bán hàng siêu thị; nhân viên nhập liệu; nhân viên hỗ trợ hành chính.

Trái nhu cầu của nhà tuyển dụng, người lao động tìm việc lương trên 20 triệu đồng- Ảnh 1.

Đa số người lao động đều tìm công việc có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng

TRỌNG NGHĨA

Ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, nhu cầu tìm việc chiếm 11,23%; trên 10 - 15 triệu đồng/tháng chiếm 24,70%; trên 15 - 20 triệu đồng/tháng chiếm 20,12% và trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 43,18%.

Nhu cầu tìm việc ở các mức lương này tập trung đều ở các vị trí có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm như giám đốc bộ phận; nhân viên IT; lập trình viên; chuyên viên kế toán; kỹ sư xây dựng; kiến trúc sư; kỹ sư sinh học; quản trị website; nhân viên marketing; kế toán, kiểm toán; giám sát công trình; nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu; nhân viên phân tích tài chính; nhân viên môi giới bảo hiểm; trợ lý, thư ký; thông dịch viên; nhân viên kiểm định chất lượng; dược sĩ; nhân viên nhân sự; nhân viên MEP (hệ thống cơ điện lạnh).

Số liệu này cũng đặt ra những băn khoăn về cán cân cung - cầu lao động trên thị trường TP.HCM. Vì theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động với 14.300 lượt doanh nghiệp và 82.600 chỗ làm việc, thì mức lương của nhà tuyển dụng đưa ra "lệch cân" so với nhu cầu của người lao động.

Đơn cử, doanh nghiệp cần 27.134 chỗ làm việc với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, chiếm 32,85% tổng nhu cầu nhân lực (so với 0,77% nhu cầu tìm việc của người lao động).

Mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần tuyển dụng 32.718 chỗ làm việc, chiếm 39,61% trong tổng nhu cầu nhân lực; từ trên 10 - 15 triệu đồng/tháng, chiếm 16,47%; từ trên 15 - 20 triệu đồng/tháng chiếm 7,70% và trên 20 triệu đồng chỉ chiếm 3,37%.

Thiếu lao động phổ thông, thừa nhân lực có trình độ đại học?

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, quý 1/2024, nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động đã qua đào tạo có 36.196 người, chiếm 97,21% so với tổng nhu cầu. Con số này giảm 1,83% so với quý 1/2023.

Trong đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm đối với trình độ đại học trở lên chiếm 62,42%; cao đẳng chiếm 12,68%; trung cấp chiếm 11,77%; sơ cấp chiếm 10,34%.

Đa số tìm các vị trí như giám đốc bộ phận; quản lý điều hành chung; chuyên viên phân tích tài chính; nhân viên chính sách nhân sự; chuyên viên công nghệ công thông tin; kỹ sư cơ khí; kỹ sư xây dựng; kế toán trưởng; kỹ sư môi trường; nhân viên marketing; nhân viên kế toán; chuyên viên QA/QC; nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu; chuyên viên marketing.

Khác với nhu cầu của doanh nghiệp hiện cần tuyển hơn 13% vị trí việc làm lao động phổ thông, thì chỉ có 1.039 người tìm các công việc này (chiếm 2,79% tổng nhu cầu). Tập trung chủ yếu ở các công việc như công nhân; nhân viên nhập liệu tại nhà; nhân viên làm việc bán thời gian; nhân viên giao nhận hàng, bảo vệ, lao động giản đơn trong ngành cơ khí, thợ hồ, thợ in ấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.