Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết: Các quỹ, nhà đầu tư tổ chức vẫn bị giới hạn

13/09/2024 06:17 GMT+7

Ngoài việc tăng thêm điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp khi muốn mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán cũng gia tăng điều kiện đối với quỹ đại chúng, đơn vị tư vấn, kiểm toán…

Nên nới lỏng cho nhà đầu tư tổ chức

Hiện nay, luật Chứng khoán đưa ra quy định một số hạn chế đối với quỹ đại chúng. Đó là công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động, gồm: sử dụng vốn và tài sản của quỹ đại chúng để đầu tư vào chứng khoán của 1 tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, trừ trái phiếu Chính phủ; đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau thuộc các trường hợp sau đây: công ty mẹ, công ty con… Dự thảo đã mở rộng hạn chế đầu tư của quỹ lên 15% đối với đầu tư vào chứng khoán của 1 tổ chức phát hành; đầu tư quá 35% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau…

 Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết:  Các quỹ, nhà đầu tư tổ chức vẫn bị giới hạn- Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đề nghị nên nới lỏng điều kiện đầu tư cho các quỹ đại chúng trên TTCK

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, tỷ lệ này bị đánh giá là vẫn chưa đủ, chưa đem lại hiệu quả cao do quỹ đại chúng vẫn bị hạn chế đầu tư, làm giảm quy mô của thị trường. Hiện tại, tổng giá trị tài sản của các quỹ trong nước chỉ chiếm dưới 0,1% GDP, quá thấp so với các nước. Do vậy, nên nới lỏng cho quỹ đại chúng được đầu tư 40% giá trị tổng tài sản của quỹ vào chứng khoán lưu hành của các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau; 20% tổng tài sản vào chứng khoán của một tổ chức.

Đại diện một công ty quản lý quỹ tại VN đề nghị cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc theo một số ý kiến đề xuất nới lỏng điều kiện cho các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức. Ví dụ như các công ty bảo hiểm, cũng là những NĐT chuyên nghiệp và có khả năng quản trị rủi ro, phân tích được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp (DN), thì khi đầu tư cũng sẽ xem xét tới các yếu tố liên quan tới đợt phát hành trái phiếu bao gồm mục đích sử dụng vốn. Việc xem xét nới lỏng từ cả góc độ thị trường và từ góc độ quản lý để có được các thay đổi tốt hơn cho thị trường.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: Từ trước đến nay, Chính phủ đều nêu rõ quan điểm thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) để trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Trong đó, thu hút và phát triển sự tham gia của các NĐT tổ chức, quỹ đầu tư đại chúng là vấn đề quan trọng. Bởi ở nhiều TTCK đã phát triển lâu dài, số lượng NĐT tổ chức, quỹ đầu tư tham gia có tỷ lệ cao hơn nhiều so với NĐT cá nhân. Các NĐT tổ chức, quỹ đầu tư là những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có đủ nguồn lực, nhân sự để đánh giá, phân tích các công ty, DN trước khi rót vốn mua cổ phần, cổ phiếu hay trái phiếu. Vì vậy, nên nâng tỷ lệ tối đa được đầu tư cao hơn dự thảo đưa ra hay thậm chí không cần đặt ra mức trần mà để các quỹ đại chúng sẽ tự quyết định. Tương tự, trong việc thúc đẩy phát triển TTCK thì các công ty bảo hiểm cũng là những NĐT chuyên nghiệp cần được khuyến khích và có thể xem xét nới lỏng điều kiện được đầu tư vào các trái phiếu khác nhau, kể cả trái phiếu có mục đích cơ cấu nợ.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu thì bày tỏ ông chưa hiểu rõ về mục đích vì sao có tỷ lệ đầu tư của quỹ đại chúng tối đa ở mức 35% vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau. Bởi nếu đưa ra con số thì cũng có thể nâng lên mức 40% như một số ý kiến khác hoặc thậm chí cao hơn. Nếu không có cơ sở cho con số này thì cũng không cần quy định, vì NĐT tổ chức cần được khuyến khích tham gia đầu tư trên TTCK. Thậm chí, có thể xem xét cho phép các ngân hàng thương mại đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp của DN với các điều kiện tương tự như điều kiện cho vay theo quy định của ngân hàng thương mại.

Đơn vị tư vấn, kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trên TTCK, Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu báo cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, DN thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận... liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và TTCK.

Điều này được hiểu là các tổ chức tư vấn phải chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác, trung thực, đầy đủ và hợp lệ của các tài liệu, số liệu báo cáo… Quy định này sẽ khiến các tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán và các tổ chức khác tham gia giao dịch sẽ dè dặt trong việc cung cấp dịch vụ. Điều đó có thể dẫn tới ách tắc các giao dịch phát hành trái phiếu mới.

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích công việc của các tổ chức kiểm toán thông thường là thực hiện, xem xét các DN có thực hiện, áp dụng đúng các quy định về chuẩn mực kế toán quốc gia trong các báo cáo tài chính hay không. Các công ty kiểm toán sẽ kiểm tra, xác nhận số liệu, chứng từ do DN cung cấp. Bản thân công ty kiểm toán không chịu trách nhiệm và cũng không có nghĩa vụ kiểm soát từng con số để cho ra kết quả chính xác hay không. Nhưng thực tế đây cũng là lỗ hổng để có một số trường hợp công ty kiểm toán cố tình bắt tay với DN để gian lận. Do vậy, nếu sửa đổi bổ sung thì cần nêu rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn, kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp có hành vi cố tình phối hợp với tổ chức phát hành, tổ chức cá nhân liên quan để gian lận và che giấu thông tin.

Bên cạnh đó, có thể quy định thêm một số công việc của kiểm toán gắn liền với trách nhiệm. Chẳng hạn kiểm toán cần kiểm tra xác thực, làm các bài kiểm tra đối với DN liên quan đến dòng tiền, kết quả kinh doanh gồm doanh thu lẫn chi phí để từ đó xác định đúng vốn chủ sở hữu mà không chỉ dựa vào các chứng từ do chính công ty cung cấp như các khoản mục khác.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng nhấn mạnh: Các công ty kiểm toán chỉ chịu trách nhiệm về tính trung thực, hợp lý của các báo cáo, số liệu được kiểm toán trên báo cáo tài chính. Bởi nếu phải thực hiện soát xét đến từng con số thì chi phí cho các công ty sẽ tăng rất cao. Đồng thời bản thân các công ty kiểm toán lại e dè và sẽ từ chối cung cấp dịch vụ cho nhiều DN, từ đó cũng khiến các công ty không đủ điều kiện để tham gia huy động vốn trên TTCK cho dù bản thân vẫn đang hoạt động tốt.

Luật có thể bổ sung thêm quy định rõ các tổ chức tư vấn, kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp có hành vi cố tình phối hợp với tổ chức phát hành, cá nhân liên quan để gian lận và che giấu thông tin trên TTCK.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.