Doanh nghiệp gia tăng phát hành trái phiếu
Ngoài ra, các ngân hàng (NH) như Agribank, ACB, BIDV, VietinBank, OCB, Techcombank... có nhiều đợt phát hành trái phiếu lớn từ vài trăm đến gần 5.000 tỉ đồng mỗi đợt.
Theo thống kê của Công ty CP chứng khoán SSI, các DN phát hành khoảng 25.516 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 9, trong đó có đến 82,6% thuộc về NH. Đây là tháng NH có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất trên thị trường tính từ đầu năm đến nay. Tính chung lượng trái phiếu 9 tháng qua lên hơn 155.000 tỉ đồng, trong đó trái phiếu của NH phát hành hơn 75.936 tỉ đồng (chiếm 49% tổng lượng trái phiếu), các DN BĐS phát hành 47.372 tỉ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng 26,4%; còn lại là các DN sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng, công ty chứng khoán...
Trong khi thị trường trái phiếu phát triển mạnh thì dư nợ tín dụng hệ thống NH trong tháng 9 tăng trưởng chậm lại. Tính đến ngày 24.9, tăng trưởng dư nợ tín dụng hệ thống NH là 8,64%, huy động vốn tăng 9,03%, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,58%. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
SSI đưa ra con số hệ thống NH giải ngân cho nền kinh tế trong quý 3 khoảng 120.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 226.000 tỉ đồng của quý 1 và 305.000 tỉ đồng của quý 2.
Tín hiệu tốt trong cơ cấu vốn
TS Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận xét tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua không chậm khi ở mức trên 9% so với đầu năm, cũng tương đương mức 9,3% của năm 2018 nhưng thấp hơn năm 2017 vào khoảng 12%. Thế nhưng, mức tăng dư nợ tín dụng hiện không đáng quan ngại mà khá phù hợp bởi quy mô tín dụng của VN tương đối lớn, tương đương 133% GDP. Do đó một số tổ chức quốc tế đã khuyến nghị VN nên kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hệ số an toàn vốn chưa tăng thích ứng.
Hơn nữa, hiện nay có nhiều dòng vốn khác tăng tốt cũng tác động tăng trưởng tín dụng chung như dòng vốn từ khu vực tư nhân 9 tháng đầu năm tăng khoảng gần 17%; vốn đầu tư nước ngoài tăng tích cực, giải ngân tăng 7,3%. Ngoài ra, DN cũng đã phát hành trái phiếu để huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn...
“Chuyển biến dòng vốn, cơ cấu vốn của DN trong nền kinh tế như vậy là khá tích cực. Thay vì chỉ vay NH, phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng như những năm trước đây trong khi các NH hiện nay chủ yếu huy động được vốn ngắn, trung dài hạn và cho vay ngắn hạn”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nhưng cũng cho rằng thị trường xuất hiện một số DN phát hành trái phiếu với lãi suất tương đối cao, trong khi mục đích sử dụng vốn chưa rõ ràng, thông tin về DN cũng chưa minh bạch... nên tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, theo ông, thị trường TPDN thu hút cá nhân tham gia, nên cơ quan chức năng cần giám sát, yêu cầu DN công khai minh bạch thông tin phát hành, sử dụng vốn hiệu quả, đừng để điều không hay xảy ra sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thị trường TPDN.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng quy mô thị trường TPDN của VN còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, việc phát triển thị trường TPDN là yêu cầu tất yếu và cũng là chủ trương của cơ quan quản lý trong lộ trình chung về phát triển thị trường tài chính lành mạnh. Thế nhưng thị trường TPDN còn khá sơ khai, thiếu thông tin khiến rủi ro cao. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có một trung tâm thông tin về tài chính của DN, lịch sử phát hành và thanh toán gốc/lãi TPDN, các trái phiếu đang lưu hành của DN... để nhà đầu tư tra cứu. Đồng thời cần phát triển dịch vụ định hạng tín nhiệm DN và định hạng tín nhiệm trái phiếu cũng như thúc đẩy niêm yết TPDN.
Bình luận (0)