Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ ấm lại?

20/07/2023 06:29 GMT+7

Hôm qua (19.7), hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức được khai trương và đưa vào giao dịch. Nhưng để thị trường này "ấm" lại, theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Giao dịch công khai

Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đưa hệ thống giao dịch (sàn giao dịch) trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ rất cần thiết, hệ thống đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường. Đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư (NĐT) có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp. Việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ ấm lại? - Ảnh 1.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch trên sàn tập trung tương tự như cổ phiếu

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ diễn ra tương tự sàn giao dịch cổ phiếu, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, trừ các ngày nghỉ lễ. Thời gian giao dịch tương tự như cổ phiếu với 2 phiên trong ngày gồm phiên sáng (9 giờ - 11 giờ 30), phiên chiều (13 giờ - 14 giờ 45). NĐT có thể sử dụng tài khoản chứng khoán hiện có để thực hiện giao dịch TPDN riêng lẻ.

Để tham gia mua bán TPDN riêng lẻ, các NĐT phải đáp ứng điều kiện là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định. Đó là NĐT đang sở hữu danh mục chứng khoán có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng trong ít nhất 6 tháng trước ngày xác định là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện quy định này vẫn chưa áp dụng cho đến hết năm 2023.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trước đây các NĐT muốn mua bán TPDN riêng lẻ thì chỉ có một con đường duy nhất là thông qua chính công ty chứng khoán đã làm môi giới phát hành lô trái phiếu này. Công ty chứng khoán sẽ tự tìm người mua lại và có thể tùy ý đưa giá chào mua theo hướng "ép" khách hàng hay thậm chí theo kiểu dụ dỗ, hứa sẽ mua lại... Đó là chưa kể việc thanh toán hay giao dịch không công khai, xác thực tính sở hữu trái phiếu chậm. Việc đưa TPDN riêng lẻ lên sàn giao dịch đã giải quyết được nút thắt trong vấn đề giao dịch, tạo ra điểm mua bán tập trung, minh bạch cho NĐT. Đặc biệt việc xác thực tính sở hữu trái phiếu cho NĐT với sự tham gia quản lý của nhà nước sẽ tạo nên sự yên tâm hơn cho người mua. Từ đó cũng có thể giúp hỗ trợ gia tăng thanh khoản cho thị trường TPDN.

Xây dựng niềm tin cho NHÀ ĐẦU TƯ

Đánh giá tích cực về việc đưa sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức đi vào hoạt động, nhưng chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc nhiều đơn vị phát hành TPDN thời gian qua vi phạm khiến lòng tin trái chủ bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, việc có sàn giao dịch tập trung vẫn chưa đủ để khuyến khích NĐT tham gia rót tiền vào sản phẩm này. Đặc biệt với TPDN phát hành riêng lẻ trước đây quy định còn lỏng lẻo, nhiều đơn vị phát hành không công bố thông tin tài chính, kết quả kinh doanh hay thậm chí hồ sơ phát hành trái phiếu cũng sơ sài.

Thế nhưng, Thông tư 30 của Bộ Tài chính ban hành giữa tháng 5 vừa qua để hướng dẫn việc đăng ký, tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ quy định doanh nghiệp phát hành phải cung cấp thông tin mà lại không nêu rõ đó là thông tin gì? Liệu đơn vị phát hành có phải công bố Báo cáo tài chính hằng năm hay không?

Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để gia tăng thêm niềm tin cho NĐT thì phải rà soát, bổ sung thêm quy định về việc công bố thông tin của các đơn vị phát hành riêng lẻ, tương tự như quy định đối với nhà phát hành trái phiếu ra công chúng. Đồng thời, phải thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các công ty phát hành TPDN nói chung.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng việc TPDN riêng lẻ lên sàn sẽ có nhiều người mua hơn, với mức giá công khai. Việc này được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp về dòng vốn nói riêng và khơi thông thị trường TPDN nói chung. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro mà NĐT cần phải chấp nhận. Đó là NĐT cần phải coi TPDN như một sản phẩm chứng khoán, chứ không phải là một khoản tiền gửi tiết kiệm có thu nhập cố định như trước kia, nên phải có tâm thế chấp nhận rủi ro. 

Ngoài ra, chúng ta cũng không thể kỳ vọng là khi sàn này đi vào hoạt động thì ngay lập tức các NĐT sẽ "nhảy" vào mua và giúp "phá băng thanh khoản". Bởi "phá băng thanh khoản" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định chưa, dòng tiền của các NĐT có sẵn sàng vào chưa, sản phẩm trái phiếu này đủ tốt chưa… Để phát triển thị trường TPDN, ông nhấn mạnh rằng cần phải có trái phiếu chất lượng. Đồng nghĩa với việc đó là sản phẩm của các công ty có kết quả kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh, có phương án đầu tư hiệu quả và lãi suất trái phiếu tương đối hấp dẫn.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), Chính phủ vẫn phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng trên thị trường như một số đại án liên quan về TPDN chưa được xét xử; NĐT còn bị mất tiền. Cần phải phát triển được thị trường bảo hiểm cho TPDN tương tự bảo hiểm tiền gửi. Điều đó để NĐT thấy được độ an toàn của sản phẩm thì mới an tâm tham gia. "Nếu có dịch vụ bảo hiểm khi mua TPDN như khi gửi tiền thì NĐT sẽ mạnh dạn tham gia mua bán hơn", TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ thêm.

Theo số liệu tổng hợp của Công ty chứng khoán VNDirect, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN đạt khoảng 48.687 tỉ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỉ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.