Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng

28/10/2022 06:15 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn đang được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng thời sẽ tích cực giám sát, đảm bảo minh bạch, lành mạnh hoạt động của thị trường vốn.

Các công ty phát hành cam kết trả đúng hạn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vừa qua một số doanh nghiệp (DN) vi phạm buộc phải xử lý pháp luật để đảm bảo thị trường lành mạnh. Song việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư (NĐT) vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì Bộ đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các NĐT. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ tác động đến vấn đề xuất nhập khẩu và tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, cơ cấu nợ công thì đồng USD chỉ chiếm 13,5% và trong cơ cấu về xuất nhập khẩu thì đồng USD chiếm khoảng 29%. Như vậy, sau khi cơ cấu lại nợ công thì cơ quan này tính toán tiết kiệm được khoảng 57.000 tỉ đồng. Đây cũng là thời cơ để VN tăng cường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, đồng thời thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện VND vẫn là đồng tiền có trị giá tốt.

“Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các NĐT”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu DN (TPDN) phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế, tạo cơ chế cho thị trường vận hành lành mạnh, hướng đến chuẩn mực quốc tế. Theo ông, với nền kinh tế vĩ mô phát triển, với sự đảm bảo quyền lợi cho NĐT, thị trường tài chính, TPDN trong nước vẫn là một thị trường đầy tiềm năng và thị trường tài chính VN vẫn là một thị trường tốt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm đến thời điểm hiện nay, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô đều rất tích cực và dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 7%. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước đến thời điểm hết tháng 9 đã đạt 95,5% dự toán. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,58% và dưới mức 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Song song đó, nợ công khoảng 44%, kiểm soát ở mức an toàn, đảm bảo trong hạn mức mà Quốc hội giao là 60% và ngưỡng cảnh báo 55%, hạn mức chi trả dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách kiềm chế ở mức dưới 4%. Có thể nói kinh tế vĩ mô và quản lý nợ công năm nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trên thực tế, nhiều công ty phát hành TPDN mới đây cũng thông qua các công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn để gặp gỡ trực tiếp với NĐT và cam kết về việc thanh toán đủ lãi và gốc cho các lô trái phiếu khi đến hạn. Đây là cơ sở ban đầu để các trái chủ có thể yên tâm hơn.

Quy định mới sẽ giúp thị trường minh bạch và an toàn hơn

Ngọc Thắng

Thị trường sẽ minh bạch hơn

Thị trường TPDN của VN tính đến cuối năm 2021 mới chiếm khoảng gần 15% GDP. Trong khi đó, thị trường TPDN của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... đang tương đương khoảng 26 - 44% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ tác động đến vấn đề xuất nhập khẩu và tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, cơ cấu nợ công thì đồng USD chỉ chiếm 13,5% và trong cơ cấu về xuất nhập khẩu thì đồng USD chiếm khoảng 29%. Như vậy, sau khi cơ cấu lại nợ công thì cơ quan này tính toán tiết kiệm được khoảng 57.000 tỉ đồng. Đây cũng là thời cơ để VN tăng cường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, đồng thời thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện VND vẫn là đồng tiền có trị giá tốt.

Có thể nói, TPDN vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho các DN, nhất là nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, đồng thời là kênh đầu tư bên cạnh thị trường cổ phiếu. Trong 9 tháng năm 2022, số liệu thống kê từ Hiệp hội Trái phiếu VN cho thấy vẫn có 20 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 389 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 244.991 tỉ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 134.892 tỉ đồng, tương đương 55% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 49.710 tỉ đồng, chiếm 20% tổng giá trị phát hành.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM), nhận định hiện nhiều NĐT đang lo lắng và niềm tin bị giảm sút về TPDN sau khi một số ông chủ DN bị xử lý có liên quan đến thị trường này. Nhưng trong thời gian tới, thị trường sẽ ổn định và phát triển lành mạnh, minh bạch hơn sau khi những vụ vi phạm đã được xử lý. Đặc biệt, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã hoàn thiện được các quy định liên quan về hoạt động phát hành cũng như chỉ có NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN. Điều đó sẽ hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn cho trái chủ so với quy định trước đây.

Song song đó, ông Huân cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu xem xét bổ sung thêm các công cụ, giải pháp khác để khuyến khích thị trường TPDN phát triển. Chẳng hạn ở nhiều nước, có dịch vụ bảo hiểm TPDN và nếu trái chủ nào muốn đảm bảo an toàn cho số tiền của mình sau khi mua trái phiếu thì có thể mua thêm dịch vụ bảo hiểm này. Các công ty bảo hiểm khi được tham gia thị trường TPDN cũng sẽ có sự khảo sát, đánh giá chặt chẽ về các lô trái phiếu được phát hành trên thị trường, nhất là khả năng thanh toán của đơn vị phát hành. Do đó sẽ giúp thị trường TPDN thêm minh bạch, an toàn và tạo niềm tin cho NĐT.

TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh: Muốn kinh tế phát triển thì thị trường TPDN phải phát triển mạnh hơn, quy mô lớn hơn vì đây là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Do đó Chính phủ vẫn tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan và có chính sách khuyến khích thị trường phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.