Trai tài gái sắc: 'Hot boy' thể hình gánh tạ trên đôi chân nhân tạo

27/11/2022 08:30 GMT+7

Mất đi đôi chân sau tai nạn giao thông từ năm 6 tuổi nhưng Trần Hồng Sơn vẫn quyết tâm theo đuổi bộ môn thể hình và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.

Nghị lực phi thường

Nhớ lại vụ tai nạn năm 6 tuổi, Trần Hồng Sơn (26 tuổi, ngụ P.Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên) vẫn không thể quên được sự đau đớn trong những ngày nằm trong bệnh viện. Tỉnh dậy sau nhiều ngày hôn mê, cậu bé Sơn ngày ấy đã òa khóc nức nở khi đôi chân không còn nguyên vẹn. Đó là chuỗi ngày đen tối, quá sức chịu đựng của một đứa trẻ 6 tuổi mà mãi đến 20 năm sau anh Sơn vẫn còn ám ảnh.

Dù khiếm khuyết ở đôi chân nhưng Sơn vẫn sống đầy nghị lực và không ngừng theo đuổi ước mơ

NVCC

Sơn cho biết thời gian đầu phải ngồi xe lăn đi học, đến năm lớp 3 thì bắt đầu tập đứng trên đôi chân nhân tạo. Lúc đầu, để đứng vững trên đôi chân giả cũng là vấn đề lớn với Sơn chứ nói chi đến việc di chuyển. Sau biết bao khó khăn, thời gian đã tạo cho Sơn một tinh thần thép, mảng da thịt từng gây đau đớn cũng dần chai sạn và chịu đựng được sức nặng của cả cơ thể. Ngày Sơn bước đi được trên đôi chân giả, ba mẹ anh vui như cái hồi Sơn chập chững bước đi khi vừa tròn 1 tuổi.

“Thời gian đó thật sự là quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ 6 tuổi. Đôi lúc nhìn bạn bè được chạy nhảy, vui chơi mà mình thấy tủi thân. Mình phải mất hơn 2 năm để cân bằng lại cuộc sống, tự chơi một mình, đọc sách… thay vì cứ buồn chán. May mắn mình luôn có ba mẹ, những người rất tâm lý và tạo mọi điều kiện để mình được tiếp tục đi học”, Sơn chia sẻ.

Tuy không thể đi lại nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa nhưng Sơn rất nghị lực và ham học để thi tốt nghiệp THPT và đã đậu vào ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Vào năm nhất đại học, Sơn đã tìm hiểu về bộ môn gym và bắt đầu hăng hái tập luyện. Vì không thể di chuyển linh hoạt và khiêng những loại dụng cụ nặng nên anh phải mất nhiều thời gian để tập luyện hơn so với người bình thường.

Quả ngọt

Càng tập luyện anh Sơn càng nhận ra bản thân đam mê với bộ môn thể hình và đặt mục tiêu phấn đấu gấp đôi để đạt được hiệu quả. Sau 7 năm kiên trì, anh đã giành được huy chương vàng môn cử tạ hạng cân dưới 80 kg tại Giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2022. Anh Sơn đạt được vị trí số 1 khi gánh thành công số tạ lên đến 165 kg.

Anh Sơn (giữa) giành được huy chương vàng môn cử tạ tại giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2022

“Hiện tại, mình đang tập luyện như một vận động viên nên gần như có mặt ở phòng tập suốt 7 ngày trong tuần. Về chế độ ăn, mình bổ sung nhiều chất đạm từ thịt để phát triển cơ bắp. Mình đã đánh đổi 7 năm tập luyện để chạm tay vào chiếc huy chương vàng và mình muốn nói với tất cả bạn trẻ rằng thành công sẽ tìm đến bạn nếu thật sự nỗ lực và quyết tâm”, Sơn chia sẻ.

Hiện tại, Sơn đang làm một huấn luyện viên thể hình mảng huấn luyện trực tuyến. Sau hơn 20 năm di chuyển trên đôi chân nhân tạo bằng chất liệu carbon và titan, bước đi của Sơn đã thành thục và rất uyển chuyển. Tuy nhiên, do mỗi ngày phải mang chân giả từ 8 - 10 tiếng nên Sơn thường gặp vấn đề phần khớp nối bị bí và ẩm, chân dễ bị rách da…

Ngoài nghị lực sống đáng ngưỡng mộ thì chàng trai này còn khiến nhiều người có thêm niềm tin vào tình yêu đích thực khi đã có chuyện tình đẹp suốt 5 năm với chị Quách Phương Anh (21 tuổi). Hiện tại, cả hai đã kết hôn được 18 tháng và có một bé gái kháu khỉnh.

Anh Sơn đã có cuộc sống hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình

“Trong một lần lướt mạng xã hội, mình thấy rất ấn tượng với anh Sơn về nghị lực và sự cố gắng của anh trong cuộc sống. Chúng mình hợp nhau về tính cách, anh ấy cũng điển trai và yêu thương mình. Tụi mình đã bên nhau trong thời gian gần 4 năm, cùng qua vượt qua những thăng trầm của cuộc sống và nhận ra chúng mình không thể sống thiếu nhau”, chị Phương Anh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (32 tuổi, làm việc tại 175 Quang Tiến, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một người bạn từng được anh Hồng Sơn chia sẻ kiến thức tập thể hình, cho biết: “Mình biết Sơn khi tham gia một hội nhóm về tập thể hình trên Facebook và mình bị ấn tượng với một bài đăng có nội dung: Người không chân dạy người có chân squat (một bài tập cho cơ mông, đùi…). Khi có điều kiện được tiếp xúc gần thì mình nhận thấy em ấy là một người dễ gần, nhiệt tình, sẵn sàng chỉ dạy khi mình hỏi về chuyên môn”.

Trai tài gái sắc

Những 'bông hồng' sinh viên

Á vương sinh viên sở hữu IELTS 8.5

Trung úy cảnh sát giao thông có nhiều sáng tạo giúp học sinh

Những tấm huy chương vàng của 'nam thần' thể hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.