Chiều 26.8, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngay khi nhận được tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Trung tâm Điều phối ghép tạng về khả năng một trường hợp có nguy cơ chết não có thể hiến tặng tim, bệnh viện đã thực hiện 2 cuộc hội chẩn để rà soát lại chỉ định của bệnh nhân ghép tim và sự tương hợp của người cho và người nhận. Song song đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tổ chức cuộc họp để rà soát lại tiêu chuẩn, chỉ định của người hiến và quyết định hiến 6 tạng cho 5 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Hồi sinh trong lồng ngực bệnh nhân sau 7 tiếng
"Khi nhận được thông tin, toàn bộ hệ thống của bệnh viện đã được kích hoạt ngay lập tức. Bệnh viện đã khẩn trương cử đoàn công tác bao gồm phẫu thuật viên, các chuyên gia y tế, và nhân viên công tác xã hội để vận chuyển nguồn tạng hiến. Mục tiêu là đảm bảo thời gian thiếu máu nóng của trái tim được rút ngắn tối đa, để trái tim có thể được ghép vào người nhận trong điều kiện tốt nhất", bác sĩ Định chia sẻ.
Theo bác sĩ Định, có hai điều khiến khiến ê kíp rất thận trọng. Thứ nhất, người bệnh có áp lực động mạch phổi khá cao, có thể dẫn đến suy tim sau mổ, khiến quá trình hồi sức gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, người bệnh có nhóm máu Rh âm tính, một trường hợp rất hiếm gặp. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và sự tư vấn của Hội đồng chuyên môn Ghép tim, ê kíp đã kịp thời chỉ định người bệnh và thực hiện ca mổ thành công.
Trái tim rời phòng mổ số 2 của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội lúc 20 giờ ngày 24.8, được bảo vệ nghiêm ngặt và hỗ trợ bởi hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế, cùng sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành trong hành trình xuyên Việt.
Hành trình đặc biệt của trái tim 'đập ngoài lồng ngực': Xúc động chia sẻ của người nhà bệnh nhân
Tất cả mọi người đều tập trung cao độ, từng phút, thậm chí từng giây đều được tính toán cẩn trọng. Đến 3 giờ sáng ngày 25.8, trái tim này đã bắt đầu nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực của anh L.A.H (37 tuổi).
Anh H. được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, với chức năng tim rất kém, và nếu không ghép tim kịp thời, sẽ không sống được bao lâu nữa. Người bệnh đăng ký vào danh sách của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, may mắn nhận được nguồn tạng phù hợp.
Theo bác sĩ Định, sau cuộc mổ, tình trạng huyết động của người bệnh tương đối ổn định, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao, đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau mổ.
Sự chung tay của hàng trăm trái tim để hồi sinh một trái tim
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hành trình ghép tim là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh. Hàng trăm trái tim đã cùng nhịp đập hối hả để một trái tim tiếp tục với hành trình sống mới.
"Tính đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan. Giờ đây, với ca ghép tim này, chúng tôi không chỉ đánh dấu một bước tiến mới mà còn hoàn thiện chuỗi thành công trong lĩnh vực ghép tạng", Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Anh N.Đ.T. (32 tuổi) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, sau đó chuyển sang Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhưng do chấn thương quá nặng, anh T. đã không qua khỏi và được chẩn đoán chết não. Trong giây phút đau đớn và khó khăn, gia đình anh đã quyết định hiến tạng của anh để cứu sống những người khác.
Bên cạnh trái tim được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 2 quả thận của anh T. được ghép đồng thời cho 2 người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, gan của anh được ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giác mạc của anh được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bình luận (0)